Trong bài viết trước về các tips tìm việc tại Thụy Điển, LinkedIn được ưu tiên đứng đầu danh sách. Vậy làm sao sử dụng LinkedIn một cách hiệu quả? Xin chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm chi tiết dành cho việc tạo, kết nối và sử dụng mạng xã hội này.
Nội dung chính
1. Vì sao cần LinkedIn?
Với số lượng 4.6 triệu người dùng ở Thụy Điển và 500 triệu người dùng toàn cầu, LinkedIn được đánh giá là mạng kết nối công việc phổ biến nhất trên thế giới và Thụy Điển. Chúng ta ai ai cũng rất quen thuộc với Facebook, Youtube hay các nền tảng xã hội khác. Còn LinkedIn thì sao? LinkedIn không chỉ là nơi đăng tải CV lên rồi cứ để nó như thế. Các bạn đã tận dụng được hết mọi ưu thế của nó chưa?
LinkedIn chính là việc thiết lập các mối quan hệ và duy trì nó, là công cụ để kết nối với nhà tuyển dụng, cũng là công cụ để nhà tuyển dụng tìm kiếm xem bạn có những kỹ năng hay kinh nghiệm gì phù hợp với công ty của họ. Vì thế, để trở nên nổi bật giữa đám đông, bạn hãy chủ động hơn, bạn cần tương tác với network của mình. Bạn cần có tính xã hội. Ngoài ra, bạn cũng phải cập nhật hồ sơ của mình nữa, đảm bảo nó thể hiện background chuyên nghiệp, mục tiêu tương lai và tính cách của mình. Một hồ sơ “chuyên nghiệp” là một hồ sơ chủ động, tương tác với xã hội và chăm chút cho các mối quan hệ của mình.
2. Vài cách để xây dựng trang LinkedIn chuyên nghiệp
Hồ sơ Linkedin là một phiên bản về sự nghiệp của bạn, hiểu nôm na như một câu chuyện sơ lược vậy. Theo thời gian, các câu chuyện luôn thay đổi, thế nên bạn cũng cần cập nhật hồ sơ của mình thường xuyên. Không giống như CV, bạn có nhiều không gian để tạo cá tính riêng về sự nghiệp của mình trên hồ sơ LinkedIn của chính bạn.
Mình thường thấy các bạn thường sao chép lại CV để điền vào các ô thông tin trên LinkedIn rồi cứ để nó ở đấy. Đấy là một lỗi nghiêm trọng nếu các bạn muốn nói lên mình là ai và các bạn mang đến giá trị gì cho nhà tuyển dụng. Bạn cần cập nhật LinkedIn thường xuyên ví dụ: công việc của bạn, những việc bạn đã làm, các bản thảo bạn đã viết, các dự án bạn đã tham gia, và cả các thành tựu bạn đã gặt hái được nữa… Nhưng khá là khó để viết ra những điều đó để mọi người biết đấy là thành tựu sự nghiệp của bạn chứ không phải là những lời khoe khoang sáo rỗng bạn nhé. Bạn cần tự hỏi bản thân mình 2 câu hỏi.
Nó có liên quan gì đến nhà tuyển dụng sắp tới hay không?
Nó có liên quan gì đến tương lai hay mục tiêu sự nghiệp của bạn hay không?
Vì thế bạn đừng nhắc đến nó nếu bạn không tìm được câu trả lời thuyết phục cho hai câu hỏi này nhé.
Thứ hai, để duy trì sự tồn tại của hồ sơ Linkedin: hãy luôn sáng tạo! Bạn đừng nghĩ chỉ có kiến trúc sư hay nhà thiết kế mới cần sự sáng tạo nhé. Nếu bạn có những thứ hay ho để chia sẻ, hãy bắt tay vào hiện thực hóa nó nhé, ví dụ như đăng một tấm ảnh record lại những thành tựu của mình, hoặc làm một clip ngắn chẳng hạn. Một hồ sơ có nhiều người tương tác là hồ sơ thành công đó bạn ạ. Nó có thể ở dưới dạng các cuộc điện thoại kết nối, tin nhắn trực tiếp, hay chỉ đơn giản là cú nhấp chuột vào đường link mà bạn chia sẻ.
Linkedin sẽ báo lại cho bạn xem những ai đã xem hồ sơ của bạn, trong bối cảnh như thế nào, người tìm kiếm làm việc tại công ty nào, họ làm gì và họ sử dụng những keywords gì để tìm kiếm. Với các thông số như vậy, bạn sẽ biết mình đang ở đâu và cần làm những gì để tăng khả năng tìm việc. Các thông tin luôn nằm ở đó, chờ bạn xử lý đấy.
Cũng như các nền tảng xã hội khác, Linkedin được thiết kế để kết nối với đồng nghiệp, bạn bè mà chúng ta thường làm việc cùng, bạn cùng lớp, v.v… Theo quan điểm cá nhân của mình, có hai nhân tố để bạn trở thành một con người giao hảo tốt (social). Đầu tiên và quan trọng nhất: hãy tương tác qua dòng thời gian (timelines), ví dụ như chia sẻ bài báo có liên quan đến sự nghiệp của bạn, hay tương tác với các bài đăng khác trong network của mình như để lại bình luận chẳng hạn. Điều thứ hai ít quan trọng hơn nhưng lại rất có ích, đó là sử dụng tính năng “viết một bài” bất cứ lúc nào. Mình biết không phải ai cũng giỏi viết lách. Khi bạn tự viết bài để chia sẻ về bản thân hay sở thích của mình thì sẽ tốt hơn việc chia sẻ bài báo hay video rất nhiều đó.
Việc kết nối với xã hội mang lại lợi ích rất lớn. Bạn đem đến kinh nghiệm và cái cách mà nó tương quan với những điều đang được quan tâm chính là một “cú hích” tuyệt vời trong sự nghiệp của bạn theo cách mà không một nền tảng xã hội nào có thể làm được.
Networking được đánh giá là tính năng quan trọng nhất tính đến hiện tại của Linkedin. Bạn có biết nguyên nhân tại sao bạn liên tục cập nhật CV của mình nhưng không có người xem? Dù hồ sơ của bạn luôn hiển thị cho tất cả mọi người (trừ khi bạn chuyển sang trạng thái chỉ để cá nhân bạn xem), việc mở rộng các mối quan hệ mới là nhân tố chính để nhiều người biết đến bạn đấy.
Mọi người hay nghĩ rằng mình càng kết nối với nhiều người thì mình càng có thêm cơ hội được mọi người tìm đến mình khi cần. Đây là một lỗi rất cơ bản trong việc kết nối trên mạng xã hội. Nó không chỉ đơn thuần là việc gia tăng số lượng contacts. Bản chất của nó là thiết lập kênh tương tác hai chiều, cho đi và nhận lại. Vì thế, thay vì tăng số người kết nối lên 500+, bạn hãy tập tập trung xây dựng các mối quan hệ chất lượng.
Bạn có thể dễ dàng google để tham khảo thêm các cách giúp tạo một trang LinkedIn hiệu quả và ấn tượng cho quá trình xin việc. Mình giới thiệu một bài trong số các bài mà mình đã tham khảo. Bài viết khá chi tiết cho từng mục nên có thể sẽ giúp ích cho bạn.
3. Những lưu ý khi sử dụng LinkedIn với người Thụy Điển
Dưới đây là tổng hợp các kinh nghiệm và những điều mà người Thụy Điển thích và không thích khi bạn muốn tạo network riêng cho mình hay cho công ty của mình trên Linkedin để kết nối với thị trường lao động ở Thụy Điển nhé.
a. Người Thụy Điển không thích người khoe khoang
Nếu họ nhìn thấy một hồ sơ cá nhân mà quá nhiều tính từ miêu tả và những từ kỳ quặc, lạ lùng, thì họ không coi người đó thực sự nghiêm túc để kết nối. Bạn không bao giờ thấy một người Thụy Điển gọi mình ”Diva, Nhà truyền giáo, Chuyên gia,..." trong LinkedIn.
b. Đừng yêu cầu họ giới thiệu hay xác nhận
Người Thụy Điển cảm thấy không thoải mái nếu bạn yêu cầu họ giới thiệu bạn trên LinkedIn hoặc nhờ họ chứng thực (endorsement) - đặc biệt là sau khi bạn gặp người đó lần đầu tiên. Họi chỉ đưa ra các đề xuất khi họ tin tưởng ở một người và vì họ nghĩ rằng cô ấy/ anh ấy xứng đáng với việc đó. Và họ muốn làm điều đó một mình không phải vì ai đó yêu cầu. Người Thụy Điển thậm chí còn nghi ngờ nếu ai đó có 15 lời giới thiệu. Bạn nên tự đưa ra lời giới thiệu hết sức chân thành về người bạn Thụy Điển mà bạn muốn họ làm như vậy với mình. Điều đó sẽ giúp người Thụy Điển tin tưởng hơn và họ sẽ làm như vậy với bạn.
c. Người Thụy Điển không thích nổi bật trên Linkedin
Có một luật bất thành văn ở Thụy Điển (Jante law) là mọi người Thụy Điển học tập từng ngày trong đời mình. Đó là nguyên nhân tại sao họ không cho rằng mình giỏi hơn người khác. Người Thụy Điển thích bình thường hơn là nổi bật. Trên LinkedIn, họ chỉ cần để chức danh công việc, ngoài ra đừng đề gì khác trên "title" cả. Họ rất sợ bị coi là người quá quan trọng trong sự nghiệp.
d. Người Thụy Điển không thích lời mời kết bạn từ những người họ không quen biết hay không có mối quan hệ chung
Lời nhận xét nhiều nhất của họ là “Tôi không thích kết bạn với những người mà tôi không quan biết” hoặc “Tại sao có người tôi không quen biết gì lại muốn kết bạn với tôi”. Lời khuyên là bạn hãy luôn luôn kết bạn với một thông điệp cá nhân, giải thích tại sao bạn muốn kết bạn với họ và để họ tin tưởng bạn.
e. Người Thụy Điển đối xử với bạn như cá nguội (cold fish) nếu bạn đang định bán hàng cho họ qua Inbox
Nếu bạn muốn bán hàng hay mời chào dịch vụ qua InMails trên LinkedIn cho người Thụy Điển thì bạn sai rồi. Người Thụy Điển không muốn mua hàng từ người mà họ không quen biết. Đặc biệt là ở nước ngoài. Họ thấy rất phiền toái.
f. Đừng tán tỉnh các nữ doanh nhân Thụy Điển trên LinkedIn
Những nữ doanh nhân Thụy Điển trên LinkedIn muốn thiết lập thương hiệu cá nhân riêng, thương hiệu công ty hoặc muốn tìm kiếm việc làm. Họ cực ghét đàn ông gửi lời mời kết bạn với những lời tán dương về ngoại hình, nụ cười… của họ, hoặc chỉ kết nối mà không có lý do hoặc lịch trình làm việc cụ thể.
Tóm lại là như mọi người dân các nước, người Thụy Điển mong muốn thiết lập mối quan hệ công việc chuyên nghiệp. Tuy nhiên họ có chút e ngại và khởi đầu câu chuyện thường ngắn gọn. Việc này đòi hỏi thời gian để họ có sự tin tưởng. Vì thế, bạn đừng sốt ruột và tiếp cận “quá vội vàng hấp tấp” nhé.
Trên đây là những tổng hợp về các kinh nghiệm tạo dựng một trang LinkedIn xin việc tại Thụy Điển. Hy vọng những kinh nghiệm này có thể giúp các bạn mới tới có thêm động lực để tìm được công việc ở cuộc sống mới.
Nguồn tham khảo
10/2022 Tác giả: Hannah
Comentários