top of page
Writer's picturechiaselund

Tìm việc khi đang học thạc sĩ Digital Marketing

Chào mọi người! hôm nay mình xin chia sẻ một bài về kinh nghiệm tìm tìm việc và làm việc cho nhóm ngành "Digital marketing" ở Thụy Điển.


Nội dung chính

Tìm việc khi đang học thạc sĩ

1. Đôi lời giới thiệu

Bài viết của mình chia sẻ hi vọng sẽ làm mọi người cảm thấy lạc quan hơn về việc tìm việc làm ở TĐ, vì khi sang đây mình cũng bắt đầu từ số 0, là du học sinh, không mối quan hệ, không biết tiếng Thụy, visa du học thôi nên mình cũng không có nhiều thời gian để học tiếng và tìm việc, không làm ngành "tech" nên ko ai trải thảm săn đón, cũng không học chuyên về ngành "marketing" nốt. Tuy nhiên trải nghiệm cá nhân của mỗi người, các điểm mạnh điểm yếu, "skillset" là không ai giống ai, nên các điều mình chia sẻ có thể không thể áp dụng cho tất cả.


Quá trình tìm việc và làm việc của mình khá suôn sẻ. Mình đến TĐ 3 năm trước với mục tiêu học thạc sĩ (Master program). Học được một năm chưa kịp tốt nghiệp (chương trình 2 năm) thì mình được "offer a full-time job", thấy nhớ nghề quá nên thôi tạm dừng học đi làm cho biết. Càng làm ở bên này mình càng thấy thích vì học được nhanh và nhiều, và gần đây mình vừa chuyển công ty, hiện tại đang làm "Performance MKT manager" cho một tập đoàn về "Media & Entertainment". Trước đây ở VN thì mình cũng đi làm được tầm 3.5 năm nên kinh nghiệm cũng ở dạng tầm tầm. Vì thời gian ngắn nên mình cũng không biết tiếng Thụy, đi làm đều bằng tiếng Anh và đều phải yêu cầu công ty tài trợ làm "work permit".

Tìm việc khi đang học thạc sĩ

Nhìn chung ngành Digital marketing ở TĐ phát triển khá mạnh, môi trường rất rất lý tưởng vì có nhiều công ty trẻ ở Thụy đã phát triển ra khu vực hay toàn cầu, mà "headquarter" vẫn ở đây, nên sẽ ưu tiên tuyển "marketing" ở TĐ. Dân số không lớn nên cạnh tranh ở mức vừa phải. Về đào tạo thì rất ít các trường đào tạo chính thống chuyên về Digital market, nên người ko có background học về "marketing" như mình cũng sẽ đỡ bị thiệt thòi hơn. Mình đúc kết các kinh nghiệm/ suy ngẫm của mình thành một "checklist" để các bạn có thể xem mình đã sẵn sàng chưa để "job offer" mau tới:


2. Ngôn ngữ

Nếu bạn cũng không biết tiếng Thụy như mình, xin chúc mừng chúc ta đã cùng nhau "share" một điểm yếu bự nhất hehe. Vậy, để bù vào điểm yếu này, dĩ nhiên bạn phải dùng tiếng Anh.


Nhưng mình nghĩ nếu bạn đã xác định tìm việc tiếng Anh, tức là đi vào một con đường ít cơ hội hơn, nên cần kiểm tra lại tiếng Anh của bạn đang ở trình độ nào (còn tiếng Anh của người Thụy Điển thì được đánh giá khá cao, bạn có thể đọc chi tiết tại link). Bạn có thể trình bày ý kiến một cách dễ hiểu và ngắn gọn không, bạn có thể vừa nghe những câu hỏi không biết trước trong cuộc họp/ phỏng vấn và sẵn sàng trả lời/nêu ý kiến của mình ngay lập tức không, bạn có thể giảng giải những kiến thức chuyên môn của mình để người khác hiểu hay không. Chắc chắn tiếng Thụy mình không làm được điều này trong ngày một ngày hai, nhưng tiếng Anh mình phải cố mà làm được. Nên mình nghĩ, nghe thì hơi ngô nghê, nhưng luyện tiếng Anh cho thật sự trôi chảy và thoải mái, tăng vốn từ nhất là từ chuyên ngành, là một bước chuẩn bị cực kì cần thiết mà không hay được nhắc đến. Dù bạn có giỏi chuyên môn cỡ nào nhưng không ai hiểu bạn nói gì cũng bó tay. Khi ngôn ngữ không còn là chướng ngại, bạn sẽ suy nghĩ liền mạch và có thể tập trung suy nghĩ đến giải pháp, hướng làm, là những thứ sẽ làm mình nổi bật hơn những ứng viên khác. Vì vậy, mình đặt nó đầu tiên trong "checklist" này như là một điều kiện cần.



3. Kỹ năng chuyên môn về công việc bạn ứng tuyển (technical skill)

Mình nghĩ là nhóm ngành "marketing", kĩ năng chuyên môn chiếm 50%, kỹ năng mềm 50% nhưng đặt trong "context" của người Việt tìm việc ở TĐ, mình nghĩ nó chiếm 70-80%. Lý do hết sức đơn giản: theo quan sát của mình, đa số những đồng nghiệp người TĐ, châu Âu, kỹ năng mềm của họ rất xuất sắc, được tôi luyện trong quá trình học tập từ nhỏ, đồng thời cách tiếp cận cũng rất giống nhau nên dễ làm việc với nhau, nhìn chung là khá “bài bản”.


Thứ mà đa số mọi người sẽ thiếu hơn là kĩ năng chuyên môn, nên bạn hãy nghĩ đó rất có thể là lý do mà bạn được gọi phỏng vấn, hồ sơ bạn được cân nhắc. "Technical skill in digital marketing", xin đính chính là không phải là phải biết "code" đâu ạ. Cả hai công ty mình làm (công ty lớn > 1000 nhân viên), không ai tuyển "marketing" về rùi trông đợi bạn "code website" cho họ. Nếu bạn "apply" vào công ty lớn, trước hết hãy rất giỏi ở mảng của mình đã, vì đó chính xác là thứ họ đang tìm kiếm. Nhưng bạn nào làm "digital mkt" thì sẽ hiểu, mọi thứ đều có liên quan nhất định tới nhau, nên bạn phải có một mức độ am hiểu nhất định về các mảng khác. Nhưng nếu mình có lời khuyên về "technical skill", hãy chọn một mảng mà bạn giỏi nhất, có kinh nghiệm nhất, thị trường đang thiếu nhất để học thêm, và học thật sâu.


Ví dụ mình làm chuyên về "paid advertising". Cái này dễ vì ai cũng học cũng làm được, nhưng sẽ khó để bạn "standout" hơn. Nên nếu bạn "list skill" chung chung là từng làm "FB ad Google Ad" trong vòng x năm, bạn sẽ rất khó nổi bật được trong vòng hồ sơ. Bạn có thể tìm hiểu sâu hơn (vì vòng hồ sơ bạn được quyền học, tra google, đọc blog etc.), và "list" ra những thứ thực sự nhìn thấy người ta sẽ hiểu bạn có thực sự biết vấn đề hay không. Nhưng đừng "list" những thứ bạn không biết và không chắc về nó hay chưa từng làm qua.

  • Code: Về việc biết code có giúp hồ sơ bạn mạnh hơn không, nếu bạn thích học thì rất tốt, nhưng lập trình là một chân trời vô biên, bạn sẽ mất vài năm để học code tử tế. Vậy trong thời gian ngắn hãy chọn đúng cái code mình cần học, cái mà sẽ bổ sung cho skill set về digital mkt ở trên. Ý kiến cá nhân mình thì nếu bạn biết cơ bản về ngôn ngữ SQL để xử lý dữ liệu lớn hơn, biết một ít về Javascript để chỉnh sửa/ hiểu về tracking, HTML & CSS để đọc hiểu hay chỉnh sửa cơ bản cũng rất tốt. Lúc mình tham gia vào quá trình interview ứng viên cho vị trí digital marketing, thì thực sự biết code hay không cũng ko ảnh hưởng lắm.

Tuy nhiên, trước khi dùng dao mổ trâu để giết gà, mình nghĩ có một thứ rất cơ bản ai cũng biết mà rất ít ai giỏi, vì một khi bạn giỏi bạn có thể làm được nhiều thứ trong ngành này, đó chính là Excel/Google sheet.


Trong ngành này, bạn có thể không là data scientist, viết model các kiểu (nếu bạn không học chuyên ngành này thì cực khó để làm), nhưng nếu bạn biết lấy và xử lý dữ liệu, biết viết một hàm phức tạp hơn, biết automate những thứ đơn giản, biết build dashboard, thì bạn đã có thể có được insights từ data nhanh chóng, ra quyết định chính xác hơn. Hiểu được các hàm, bạn sẽ rất dễ dàng sử dụng các tool digital mà marketing bên này rất chuộng như trong job của mình là Smartly, Funnel, etc.


Tuyển dụng digital marketing bên này sẽ yêu cầu giải quyết 1 case, nếu bạn giỏi excel là bạn không sợ các loại data, bạn cũng sẽ rất dễ vượt qua vòng này. Từ cơ bản như biết Vlookup, Pivot table, đến phức tạp hơn như dùng Power Query để query data tự động, đến viết code với VBA (VBA biết là quá tốt nhưng ko cần tới level đó đâu vì chả mấy ai biết). Cái này là skill set thực sự dễ học, ai cũng quen, nhiều tài liệu miễn phí và dùng rất nhiều trong thực tiễn của nhiều ngành.


4. Kỹ năng mềm

Như phần trước mình có chia sẻ, nhìn chung mình thấy các bạn châu Âu, từ bạn học dến đồng nghiệp đều khá mạnh về phần này. Kỹ năng mềm có khá nhiều mảng, 1 số mảng mình thấy quan trọng với marketing nói chung như là Communication, Teamwork, Creativity… 2 kỹ năng sau đây mình nghĩ không giới hạn cho mkt mà dành cho đa số các ngành nghề.

Tìm việc khi đang học thạc sĩ

- Communication: Đặc thù của marketing là làm việc với rất nhiều các bộ phận, từ trong đến ngoài công ty. Và vì vậy, communication là chìa khóa để mọi việc trơn tru hơn. Đương nhiên là ngôn ngữ là một phần rất quan trọng, tuy nhiên ngoài ngôn ngữ ra, mình nhận ra cách lập luận theo tiếng Việt cũng hơi khác với dùng tiếng Anh. Cái này mình thường phải tập bằng cách xem phim, sách, youtube, podcast nhiều bằng tiếng Anh, hoặc lắng nghe các bạn bè đồng nghiệp khác nói và học theo cách cấu trúc lập luận của họ khi trình bày 1 ý trưởng. Để đơn giản hơn, với viết CV và phỏng vấn, mình nghĩ chỉ cần nói, viết ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề. Honesty ( sự chân thật) rất rất được coi trọng, nên nếu được hỏi một vấn đề gì bạn không biết trước hết nên thừa nhận hơn là nói lòng vòng.


- Teamwork: Làm việc nhóm là kỹ năng dùng nhiều nhất. Nhìn chung mình thấy bên này mọi người cực tôn trọng nhau, ý kiến của ai cũng được lắng nghe. Tinh thần chung là giúp đỡ mọi người hết lòng và cũng không ngại nhờ giúp đỡ khi cần. Hơi khó để làm nổi bật cái này trong một cuộc phỏng vấn, nhưng mình nên chuẩn bị sẵn 1, 2 câu chuyện gì đó để thể hiện được tính cách của mình trong vấn đề teamwork và nghĩ cách để lồng ghép vào câu trả lời cho dù không được hỏi. Ví dụ hỏi bạn đã từng làm gì liên quan tới ABC chưa? Nếu mình làm rồi mình sẽ nhân cơ hội đó kể về việc nhờ đó mình đã cộng tác được với nhiều team khác nhau, đã có khó khăn gì (tất nhiên phải liên quan tới chủ đề ABC để tránh lạc đề) và cùng nhau giải quyết ra sao. Vì ở các môi trường mình làm việc, mọi người rất trân trọng việc làm việc cùng nhau, hơn là thể hiện mình là một cá nhân xuất sắc cân tất cả thứ.


Thường những kỹ năng yêu cầu sẽ được nêu rất rõ ở phần mô tả công việc. Bạn chỉ cần đọc kỹ và chuẩn bị cho mình một số câu chuyện hay ho thì sẽ rất dễ tạo được ấn tượng tốt cho người phỏng vấn.



5. Tính cách

Đây là phần cực chủ quan, nên mình không có gì để khuyên hihi. Tuy nhiên mình có thể chia sẻ 1 câu chuyện của mình, hi vọng những ai hướng nội như mình có thể tự tin hơn.


Năm đầu ở Thụy khi còn là sinh viên mình có tham gia làm việc cho một tổ chức sinh viên của chính phủ Thụy Điển, xung quanh toàn những bạn sinh viên quốc tế rất năng nổ, xuât sắc và hoạt bát, nên ban đầu mình cũng khá tự ti, đôi khi cũng ko biết nói gì cho hòa đồng hơn, nói chung cũng khá nhạt. Tuy nhiên trong cuộc họp đầu tiên sau 3 tháng làm việc chung, trong sự ngỡ ngàng của mình, trước tất cả mọi người các bạn điều phối chương trình trao cho mình cúp vàng tượng trưng vì là thành viên đóng góp xuất sắc trong 3 tháng đầu tiên. Hóa ra các bạn ấy quan sát và rất ấn tượng với những đóng góp trong công việc mình làm, bài mình viết. Đó là lúc đầu tiên mình nhận ra, à hóa ra, những đóng góp, những nỗ lực làm việc luôn được ghi nhận mà không cần bạn phải là người nổi bật hay hoạt bát nhất.


Mình luôn thích làm việc ở Thụy Điển cũng vì vậy, luôn cảm thấy không cần phải quá gồng, cứ làm tốt công việc của mình, vui vẻ giúp đỡ mọi người trong khả năng. Đương nhiên nếu bạn thật sự hoạt bát năng nổ thì quá tốt rồi. Còn nếu bản thân hướng nội, mình nghĩ cũng không có vấn đề gì cả. Nên mình chỉ chúc bạn thực sự tự tin vì mỗi người sẽ luôn có cách tỏa sáng riêng.


6. Phù hợp với văn hóa công ty/ Culture fit

Các "value" (giá trị) của công ty thường hay có ở trong "Job Description" (mô tả công việc) hoặc ở trên website. Dù không trực tiếp hỏi, nhưng đặc biệt HR sẽ rất thích tìm kiếm những value này ở ứng viên tiềm năng. Những công ty trẻ sẽ luôn tìm kiếm những người "flexible, eager to learn" (ham học hỏi), có khả năng thích nghi tốt với thay đổi. Vì vậy, bên cạnh nghiên cứu về công ty, sản phẩm của công ty, đọc qua "value" cũng sẽ giúp ích rất nhiều trong phỏng vấn.

Tìm việc khi đang học thạc sĩ

Tới đây mình xin kết thúc phần chia sẻ của mình. Hy vọng bài viết này sẽ hữu ích cho bạn ở một khía cạnh nào đó. Chọn đến một đất nước rất xa khỏi quê nhà, học một ngôn ngữ khác, tìm kiếm cho mình một cơ hội mới, chọn thay đổi cho dù nó không hề dễ dàng, luôn cố gắng học hỏi mỗi ngày, mình nghĩ tất cả chúng ta, dù bạn đang làm gì ở đâu, đến Thụy Điển vì lý do nào, đều đã rất can đảm và nỗ lực. Xin chúc mọi người luôn giữ một tinh thần lạc quan, chân cứng đá mềm, thật nhiều may mắn trong công việc và cuộc sống.


10/2022 Tác giả: Trình Thục Yên

251 views

Comments


bottom of page