Trong hệ thống trường học Thụy Điển, các em đi học ít nhất 7 năm kể từ năm lên sáu, theo quy định của Đạo luật Giáo dục Thụy Điển (Giáo dục bắt buộc được kéo dài đến sáu năm vào năm 1882 và sau đó là bảy năm như hiện nay vào năm 1936.). Đầu tiên là chương trình mẫu giáo (Förskola) không bắt buộc tại nơi sinh sống cho trẻ em từ một đến năm tuổi. Kế đến là chương trình học bắt buộc cho các em bao gồm bốn giai đoạn:
Lớp mầm non hoặc lớp 0 (förskoleklass): dành cho các em 6 tuổi
Cấp 1 (lågstadiet): lớp 1 đến lớp 3 dành cho các em từ 7 đến 9 tuổi
Cấp 2 (mellanstadiet): lớp 4 đến lớp 6 dành cho các em từ 10 đến 12 tuổi
Cấp 2 (högstadiet): lớp 7 đến lớp 9 dành cho các em từ 13 đến 15 tuổi
Các em ở trường cấp 2 hay những em chưa đủ điều kiện để vào trường cấp 3 của Thụy Điển (gymnasieskola) sẽ được tư vấn khá sớm tùy thuộc theo sở thích, nguyện vọng, hay mong muốn cá nhân để chọn một chương trình học tại bậc cấp 3 tại Thụy Điển.
Vào đại học không phải là con đường duy nhất cho một cuộc sống tốt đẹp tại Thụy Điển. Ở trong trường cấp 3 Thụy Điển, dựa vào trải nghiệm của chính mình, các chương trình học thông thường sẽ được chia thành hai danh mục: chương trình học nghề (yrkesprogram) và chương trình học chuẩn bị cho bậc đại học (högskoleförberedande program).
Các chương trình học, nguồn Studie/och yrkesvägledare Elinebergsskolan
Chương trình học nghề / Yrkesprogram
Khi vào chương trình học nghề thì các em được học ít hơn những môn trừu tượng, nặng lý thuyết và được học nhiều hơn các môn có tính ứng dụng cao. Trong 3 năm cấp 3, các em sẽ có ít nhất 15 tuần thực tập ở các cơ sở có liên quan tới chương trình mà các em đang học như nhà xưởng, bệnh viện hay các cửa hàng cửa tiệm, trong những tuần này các em sẽ học được những kiến thức, tạo được những mối quan hệ cần thiết để ngay sau khi học xong thì các em có thể đi làm và nuôi sống bản thân. Hệ thống giáo dục của Thụy Điển thực sự khác biệt với Việt Nam, các em không bị đặt nặng quá nhiều về thành tích bản thân và có cơ hội khám phá, lựa chọn lĩnh vực mà mình yêu thích.
Chương trình để vào đại học / Högskoleförberedande program
Danh mục các chương trình học thứ hai ở trường cấp 3 Thụy Điển là các chương trình học để vào cấp bậc Đại học. Tùy thuộc vào từng trường mà các chương trình học sẽ khác nhau, một số chương trình học có thể kể tên như Công nghệ (Teknikprogammet), Khoa học tự nhiên (Naturvetenskapsprogammet), hay Kinh tế (Ekonomiprogrammet). Cũng như tên gọi thì các em sẽ được học những kiến thức ở những mảng khác nhau. Sau 3 năm học cấp 3 thì các em sẽ có đủ điều kiện để nộp đơn xin vào các chương trình đại học. Ngay cả khi các em lựa chọn các chương trình học này, các em cũng có thể lựa chọn học thêm năm thứ 4, để học thêm và thực tập tại một một công ty để trau dồi kiến thức và tạo dựng thêm các mối quan hệ.
Ở bài viết này, mình tập trung chia sẻ về chương trình để vào cấp bậc Đại học. Trước khi bắt đầu nộp đơn vào các chương trình học ở cấp bậc đại học tại Thụy Điển, các em thường phải đạt được hai điều kiện: điều kiện cơ bản (grundläggande behörighet) và các điều kiện riêng (särskild behörighet).
Điều kiện cơ bản các em có thể đạt được sau khi học đủ số lượng môn quy định, trong đó bao gồm môn Toán, tiếng Anh và tiếng Thụy Điển.
Điều kiện riêng sẽ phụ thuộc vào các chương trình mà các em có ý định học. Có thể lấy ví dụ như để theo học các chương trình kỹ sư ở Thụy Điển các em cần có điểm ở những môn như toán, vật lý và hóa học.
Ngoài ra, đất nước Thụy Điển là nơi tạo nhiều điều kiện cho người dân học tập và thay đổi bản thân. Nếu các em sau những năm cấp 3 chưa đủ điều kiện để xin vào đại học hay các anh chị đã đi làm và muốn thay đổi nghề nghiệp của mình đều có thể hoàn thành các điều kiện cơ bản và điều kiện riêng ở các trường dành cho người lớn như komvux và folkhögskola.
Thư viện trường Đại học Lund,
Cách xét tuyển vào Đại học
Hệ thống giáo dục ở Thụy Điển có nhiều cách để xét tuyển học sinh vào đại học. Trong đó có hai cách tiêu biểu nhất, đầu tiên đó là xét tuyển theo điểm trung bình các môn các em học trên trường, được viết tắt là BI hoặc BII, cách thứ hai đó là thông qua một bài thi có tên là högskoleprovet (bài thi högskoleprovet sẽ kiểm tra kiến thức về toán, tiếng Anh và tiếng Thụy Điển). Một cách xét tuyển khác là theo chỉ số BF, điểm mà các em nhận được khi học ở folkhögskolan, nhưng theo sự hiểu biết của mình thì chỉ số này không quá là thông dụng. Để hiểu hơn về yêu cầu tiếng Thụy Điển cho việc học Đại học đã có bài viết tại link.
Có ba nhóm trong việc tính điểm trung bình cho cách xét tuyển thứ 1(chi tiết có thể tham khảo tại trang tiếng Thụy Điển Uhr.se)
Nhóm trực tiếp (BI) - những người nộp đơn đã hoàn thành chương trình học trung học phổ thông, đủ điều kiện mà không cần điểm bổ sung
Nhóm bổ sung (BII) - những người nộp đơn đã bổ sung các yêu cầu và điều kiện
Folkhögskolegrupp (BF) - những người nộp đơn có kết quả học tập từ Folkhögskola
Điểm trung bình BI và điểm högskoleprovet có thể được dùng trong nhiều năm sau khi ra trường hoặc sau khi làm bài thi. Để bắt đầu học vào kỳ mùa xuân thì các em sẽ phải bắt đầu nộp đơn xin học vào tháng 9 và cho kỳ mùa thu vào tháng 2. Để có thêm thông tin chi tiết mọi người có thể lên trang web antagning.se để đọc thêm thông tin, cũng như đăng ký và nhận kết quả tuyển sinh.
Ở trường hợp của mình, mình đã qua Thụy Điển được vài năm trước. Ban đầu mình đã đăng ký và theo chương trình học nghề tại trường cấp ba Thụy Điển và sau đó đã đi làm trong một khoảng thời gian. Trong quá trình đi làm, mình đã cảm nhận được là công việc không phù hợp với mình, mình cần phải thay đổi và mong muốn theo đuổi con đường học lên cấp bậc Đại học. Do đó, mình đã dành ra một năm để học tại trường người lớn (komvux) để hoàn thành các điều kiện riêng cho ngành kỹ thuật công nghệ (bên cạnh các điều kiện cơ bản như đã nói ở trên). Cuối cùng sau một năm tập trung học tập trở lại, mình cũng vào được trường Đại học Lund, ngành khoa học máy tính (Computer Science) với hình thức xét tuyển dựa trên số điểm trung bình BII. Hiện tại, mặc dù chương trình học khá khó (đặc biệt về phần cứng hardware) nhưng mình cảm thấy hay và hứng thú để theo đuổi lâu dài.
Tóm lại, theo trải nghiệm của riêng mình thì hệ thống giáo dục của Thụy Điển tiên tiến và hiện đại, chỉ cần có sự cố gắng và quyết tâm thì mọi người đều có thể vào những chương trình học mà mình muốn. Ngoài ra, phần lớn các chương trình học ở Thụy Điển đều miễn phí cho cư dân ở EU, ESS và Thụy Sĩ. Khi học trong trường đại học của Thụy Điển, sinh viên Thụy Điển có thể xin trợ cấp và một khoản vay với lãi suất thấp thông qua Hội đồng tài chính sinh viên Thụy Điển hay Centrala studiestödsnämnden (CSN).
Hy vọng với bài chia sẻ này có thể giúp ích cho mọi người hiểu hơn về hệ thống giáo dục của Thụy Điển và con đường để vào học Đại học tại đây.
11/2022 Tác giả: Trung Hoang
------------------------------------
Câu hỏi từ bạn đọc
Comments