top of page
Writer's picturechiaselund

Tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ ở Thụy Điển

Các bạn đã từng nghe nói tới ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ lần nào chưa?

Đó là ngày 21 tháng 02 hằng năm và được UNESCO lần đầu tiên kỷ niệm vào năm 2000.

Tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ ở Thụy Điển

Tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ

Tiếng mẹ đẻ là thứ tiếng mà trẻ biết nói đầu tiên và hiểu nhiều nhất ở thời điểm hiện tại hoặc là thứ tiếng mà cha mẹ và ông bà đã sử dụng hàng ngày. Việc học tiếng mẹ đẻ, đối với các em gốc nước ngoài sinh sống tại Thụy Điển, được chứng minh rằng đem lại hiệu quả tốt cho việc học tiếng Thụy Điển và các môn học khác ở trường. Đặc biệt các em đã có khả năng tiếng mẹ đẻ vững chắc từ trước khi vào lớp một có thể tiếp thu nhanh chóng được những từ ngữ khoa học ở trường cho dù đó là môi trường hoàn toàn dùng tiếng Thụy Điển. Nếu giao tiếp thành thạo và tư duy được bằng tiếng mẹ đẻ thì các em cũng có thể học tập qua tiếng Thụy Điển một cách dễ dàng. Lý do là bởi bằng cách chuyển và đối chiếu các từ tiếng Thụy Điển không biết sang tiếng mẹ đẻ sẽ giúp các em hiểu được khái niệm của các từ đó.


Bên cạnh đó, nếu đã hiểu rõ tiếng mẹ đẻ, các em sẽ biết hai thứ tiếng: tiếng Thụy Điển học sau đó và tiếng mẹ đẻ, từ đó sẽ có được cách nhìn nhận, lý giải từ cả 2 ngôn ngữ. Việc thành thạo tiếng mẹ đẻ giúp sự giao tiếp giữa các em với cha mẹ trở nên phong phú hơn. Việc duy trì được tiếng mẹ đẻ sẽ giúp các em coi trọng nguồn gốc của mình và nhờ vào đó sẽ cảm thấy tự tin hơn về bản thân mình.


Hơn nữa, nếu duy trì được tiếng mẹ đẻ, các em có thể kết nối với những người đang sống ở quê hương, cộng đồng ở nước sở tại cũng như khắp nơi trên thế giới thông qua tiếng mẹ đẻ, từ đó việc lựa chọn công việc tương lai hoặc nơi làm việc sinh sống của các em có thể đươc mở rộng hơn.

Tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ ở Thụy Điển

Một nghiên cứu về tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ đối với cá nhân, trường học

và xã hội tại trường Đại học Stokholms


Tại Thụy Điển, một đất nước đầu tư rất nhiều cho giáo dục đã có nhiều nghiên cứu khoa học cụ thể cho vấn đề này, các bạn quan tâm có thể tham khảo tại các link bên dưới. Hình bên trên là một ví dụ cụ thể: Công trình nghiên cứu về tầm quan trọng của tiếng mẹ đẻ đối với cá nhân, trường học và xã hội của giáo sư Sofia Engman va giáo sư Christina Hedman tại trường Đại học Stokholms.

Chính nhờ những nghiên cứu này mà chính phủ Thụy Điển đã và đang duy trì môn học tiếng mẹ đẻ (modersmålsundervisning) như là một môn học ngoại khoá (efter skoltiden) và tự nguyện (frivilligt) cho học sinh. Đây cũng là một lợi ích thiết thực cho các em học sinh đang học tại cấp 2 và cấp 3 với việc được đổi điểm hay cộng điểm vào điểm tổng kết học tập. Học sinh lớp 9 có thể đổi điểm cao của môn tiếng mẹ để với một môn phụ điểm thấp, như môn thể dục, thủ công, vẽ …. để có thêm điểm vào trường cấp ba mà mình yêu thích.


Thang điểm được tính như sau:

Điểm A= 20 điểm B= 17,5 C= 15 D = 12,5 E = 10

F = không có điểm và bị trượt điểm - phải thi lại.

Nếu môn thủ công được điểm C thì mình đổi lấy điểm A của môn tiếng mẹ đẻ.

Quá trình Tiếp thu tiếng Thụy Điển

Từ khi trẻ còn nhỏ, nếu học thêm tiếng Thụy Điển vào cùng tiếng mẹ đẻ, đôi khi trẻ có thể sử dụng pha trộn hai ngôn ngữ trong một thời gian. Tuy nhiên đến lúc nào đó, trẻ sẽ biết cách sử dụng tách biệt hai ngôn ngữ. Có nhiều trường hợp là sau một vài năm, bằng việc học song ngữ, hiệu quả tương hỗ sẽ phát huy tác dụng và giúp làm tăng học lực và khả năng tiếng Thụy Điển. Trường hợp cho con em mình học thêm tiếng Thụy Điển ngoài tiếng mẹ đẻ, chúng ta cần phải hiểu sự khác biệt giữa khả năng dùng các ngôn từ trong sinh hoạt đời thường và khả năng dùng các ngôn từ trong học tập ở trường. Ví dụ như ngôn ngữ trong sinh hoạt đời thường thì có thể nói: “Độ rộng của phòng tôi và em trai tôi giống nhau”, nhưng còn trong môn toán thì sẽ nói là: “Diện tích của phòng tôi và em trai tôi bằng nhau”. Để học và hiểu các môn học khác nhau ở trường, các em cần biết những từ khoa học như thế. Thông thường, tần suất sử dụng tiếng Thụy Điển ở trường rất cao nên nếu nhanh thì các em chỉ mất một, hai năm là có thể tiếp thu được tiếng Thụy Điển với trình độ đàm thoại thông thường. Thế nhưng, người ta cho rằng các em sẽ mất năm, sáu năm mới có thể học theo kịp các môn học. Vì vậy, chúng ta cần lưu ý thúc đẩy, phát triển khả năng ngôn ngữ học thuật theo từng giai đoạn phát triển của các em. Cũng có người lo lắng rằng nếu duy trì tiếng mẹ đẻ trong lúc đang học tiếng Thụy Điển thì liệu nó trở thành trở ngại cho việc học tiếng Thụy Điển hay không. Sự thật là không phải như thế. Khả năng học ngôn ngữ của trẻ em rất linh động. Ngược lại các em còn có được cách nhìn từ nhiều góc độ. Người biết hơn cả ba thứ tiếng cũng không phải là hiếm có.


Một số cảm nhận của học sinh

"Em đã và đang học tiếng việt được hai năm, em học từ cấp hai đến hiện tại là cấp ba. Em thấy môn tiếng việt khá hữu dụng để thay thế các môn học phụ khác(mình sẽ dễ được điểm cao). Nhưng đổi lại vì học sau giờ học chính quy nên các bạn học sinh có phần hơi mệt mỏi, dẫn đến chất lượng học tập cũng giảm ít nhiều.


Khi học cấp hai môn tiếng việt nếu điểm cao có thể thay thế các môn điểm thấp, hoặc được cộng vào tổng điểm luôn. Khi học cấp hai và chuẩn bị đăng kí học cấp ba. Các trường cấp ba sẽ yêu cầu đầu vào bằng tổng điểm của tất cả các môn mình có điểm, tổng điểm càng cao thì càng dễ tìm trường. Mình sẽ dùng tiếng việt thay thế được cho các môn thủ công mỹ nghệ( những môn này không quan trọng bằng các môn khác có cũng được, không có cũng được). Có thêm điểm tiếng việt tổng điểm mình sẽ cao hơn và việc tìm trường dễ hơn. Còn khi học tiếng việt ở cấp ba cũng tương tự, tiếng việt = các môn thủ công mỹ nghệ. Việc học thêm tiếng việt giúp tổng điểm cuối kì sẽ cao hơn. Nhưng điểm tiếng việt không có giá trị bằng các môn ngôn ngữ hiện đại (Pháp,Ý,Đức,Tây ban nha). " Bạn Le đang học tại trường cấp 3 ở Lund chia sẻ

11/2022

Tác giả: ChiaseLund


195 views

Comments


bottom of page