Khi nói đến du học Thụy Điển, mọi người thường nghĩ chi phí sinh hoạt sẽ rất đắt đỏ. Vậy đắt là bao nhiêu? Bài viết này sẽ giúp bạn hình dung mức chi tiêu trung bình trong một tháng khi là sinh viên tại Thụy Điển và một số kinh nghiệm tiết kiệm chi phí.
Theo thông tin chính thức của Sở Di trú Thụy Điển năm 2020, bạn cần chứng minh có ít nhất 8568 SEK/ tháng khi nộp hồ sơ xin thẻ cư trú. Tùy theo thời gian cư trú, bạn sẽ phải nhân con số này với số tháng cần thiết. Những người đi cùng với bạn như vợ/ chồng, con cái sẽ có mức giảm dần. Xem chi tiết tại đây.
Điều này chứng tỏ 8,568 SEK/tháng là mức chi tiêu trung bình của người bình thường khi sống tại Thụy Điển. Tương đương khoảng 23 triệu VNĐ/ tháng (tỷ giá năm 2020) . Hãy cùng tìm hiểu những khoản bạn phải chi trước khi đến phần cost breakdown hàng tháng nhé!
Phí nộp hồ sơ xin học (Admission Fee): 900 SEK/ bộ. Hồ sơ được nộp tối đa 4 nguyện vọng Thạc sĩ HOẶC 8 nguyện vọng Cử nhân.
Phí nộp hồ sơ xin thẻ cư trú (Residence Permit fee): 1500 SEK/ người lớn trên 18 tuổi.
Một số ngoại lệ không phải đóng phí xem tại đây.
Chi phí sinh hoạt khi du học Thụy Điển tính theo tháng
Chi tiêu hàng tháng dĩ nhiên phụ thuộc vào từng cá nhân nên không ai giống ai. Dưới đây mình lập bảng các khoản chi tiêu chính trong tháng và mức tiền trung bình để bạn hình dung.
1. Thuê nhà
Tiền thuê nhà ở Thụy Điển là yếu tố tiên quyết xác định mức chi tiêu hàng tháng. Bởi lẽ khoản này thường chiếm 60%-70% chi phí sinh hoạt của bạn tại Thụy Điển. Các hình thức thuê nhà
1.1. Ký túc xá sinh viên Nếu trường có ký túc xá, thông thường sinh viên Việt Nam sẽ được đảm bảo có nhà (housing guarantee). Đây cũng thường là hình thức thuê nhà giá rẻ, phù hợp với lối sống sinh viên nhất. Các bạn có thể tìm loại phòng corridor có WC riêng, chỉ chung bếp và phòng khách, hoặc căn hộ student flat với 1-2 sinh iên quốc tế. Mình sẽ chia sẻ về loại nhà mình ở (corridor) trong bài viết khác.
Phòng corridor của mình tại Lund rộng 14 mét vuông. Trong phòng đã có sẵn nội thất cơ bản (tủ lạnh nhỏ, lò vi sóng, đèn, tủ), có WC riêng và một bồn rửa tay.
1.2. Tự thuê ngoài Bạn có thể tìm nhà thuê cùng với sinh viên Việt Nam hoặc sinh viên quốc tế. Giá cả hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tìm kiếm của bạn. Có lúc giá sẽ rẻ hơn, nhưng cũng có lúc sẽ đắt hơn ký túc xá. Việc tìm nhà thuê ngoài cũng rất khó ở những thành phố lớn hoặc thành phố đông sinh viên. Hình thức này chỉ phù hợp với những bạn đã tìm được nhà giá rẻ, hoặc bạn đi học có mang theo gia đình. Bởi ký túc xá không cho phép ở dạng gia đình.
1.3. Ở nhà người quen Hình thức này chắc là tiết kiệm nhất. Tuy nhiên, đây cũng là hình thức mình ít khuyến khích nhất. Bạn có thể ở nhà người quen thời gian đầu nếu chưa tìm được nhà. Khi đăng ký được chỗ thuê, hãy chuyển ra khu vực gần trường hoặc nhiều sinh viên. Việc này giúp bạn có trải nghiệm sinh viên tốt hơn, hơn nữa, bạn cũng học cách độc lập khi xa nhà.
Tiền nhà dao động trong khoảng từ 3200-5000 SEK/ tháng. Ở nhiều thành phố lớn, chi phí có thể đắt hơn. Tuy nhiên, mình thấy mức 3600-4200 SEK là mức giá thuê khá phổ biến. Với mức này, mình đã thuê được phòng có WC riêng, ngay sát ga tàu.
2. Tiền ăn
Thực phẩm ở Thụy Điển mình thấy không quá đắt đỏ.
Nhiều mặt hàng mức giá cũng tương đương với mức ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ví dụ: giá cá hồi, thịt lợn, tôm, thịt gà. Tuy nhiên, nhìn chung thực phẩm và rau củ ở nước ôn đới không thể đa dạng như đất nước nhiệt đới.
Một số mặt hàng sẽ đắt hơn, như: các loại rau lá, các loại trái cây nhiệt đới, gạo, gia vị.
Một số loại đến đúng mùa sẽ rẻ hơn đồ Việt: khoai tây, dâu tây, cherry, táo, v.v.
Nếu bạn ăn được đồ Âu và tự nấu nướng, chi phí sẽ vào khoảng 350-400SEK/tuần. Nếu bạn thích tự nấu đồ Á, hay mua rau, đậu phụ thì chi phí sẽ nhỉnh hơn một chút: khoảng 500 SEK/ tuần. Như vậy, nếu tự nấu, bạn sẽ mất khoảng 1500-2000SEK/ tháng. Với mình mức này là thoải mái ăn cả đồ Tây lẫn đồ Việt rồi.
3. Đi lại
Đi lại bằng phương tiện cá nhân: xe đạp. Bạn sẽ cần đầu tư một khoản mua xe đạp ban đầu. Giá xe đi được sẽ khoảng 700-800 SEK. Hãy nhớ rằng: bạn phải trang bị đủ đèn xe, đèn bánh xe, khóa xe. Mùa đông có thể sẽ rất khó đi do thời tiết lạnh giá, trời tối. Ở một số thành phố địa hình dốc, bạn sẽ phải cân nhắc việc đi xe đạp nếu thể lực yếu. Kể cả trong mùa hè, nếu không đủ sức cũng sẽ rất khó đi xe đạp.
Đi lại bằng phương tiện công cộng: Vé lượt thông thường khoảng 25-35SEK/ lượt 90 phút xe bus. Vé tháng tùy khu vực có thể dao động từ 550-900 SEK. Khi mua vé tháng bạn có thể sử dụng các loại phương tiện công cộng khác nhau (tàu, bus, tram).
Thẻ sử dụng phương tiện công cộng vùng miền Nam Skane. Sinh viên được giảm giá 25%.
Ảnh: Fall in Fika
4. Các khoản chi tiêu khác
Bạn có thể phát sinh một số khoản sau:
a. Ăn nhà hàng Thụy Điển
Nếu bạn ăn ngoài tiệm, giá cả sẽ vô cùng chênh lệch. Một chiếc bánh mì Thổ chỉ khoảng 30SEK/ bữa; nhưng một bát phở có thể 200 SEK, hoặc một bữa ăn xoàng xĩnh cũng tầm 100SEK rồi. Cà phê, bánh ngọt trong quán sẽ khoảng 40-60SEK/ món. Những khoản này mình không liệt kê trong phần chi tiêu vì đó là nhu cầu của từng người.
b. Uống đồ có cồn
Thường các nơi khác sẽ liệt kê chi phí ăn uống thành một khoản, nhưng ở Thụy Điển và Bắc Âu thì không nhé. Đồ uống có cồn ở Thụy Điển khá đắt. Nếu bạn chỉ thỉnh thoảng cần giao lưu tại các bữa tiệc yêu cầu BYOB (tự mang đồ uống), thì hoàn toàn không thành vấn đề. Siêu thị luôn có bán những loại bia từ 0-4 độ, giá cả phải chăng. Tuy nhiên, vào những dịp quan trọng, bạn sẽ cần mua một chai vang hoặc bia xịn. Hoặc bạn có hẹn ở quán bar, pub cùng nhóm bạn, nhẹ nhàng cũng tốn 100-200SEK/ lần tùy vào loại bia, rượu.
c. Đi chơi du lịch ở Thụy Điển
Bạn sẽ có nhu cầu đi thăm thú vài nơi trong khu vực mình sống. Nếu điều kiện dịch bệnh tốt hơn, bạn sẽ săn vé máy bay hoặc vé tàu du lịch. Những khoản này tùy theo dịp và mức độ tiêu của bạn.
d. Tham gia hoạt động ngoại khóa
Để tham gia vào một số tổ chức sinh viên, bạn cần có quyền lợi thành viên (membership). Phí member thường tính theo kỳ, khoảng 300-400SEK. Mình khuyên bạn nên đóng vì sẽ có một vài quyền lợi giảm giá rất hữu ích.
e. Tiền tiêu vặt
Điện thoại, 4G, dầu tắm, kem đánh răng, dao cạo, … và một tỉ thứ khác bạn sẽ cần mua ngẫu nhiên. Vài tháng một lần hoặc bỗng dưng hỏng hóc cần thay.
Tổng khoản chi tiêu khác mình để dao động khoảng 500-1000SEK. Như vậy, mình sẽ có bảng tổng kết chi tiêu trung bình dưới đây.
Phần trên mình đã chia sẻ những hạng mục cần chi tiêu cơ bản của một sinh viên quốc tế. Phần này mình sẽ liệt kê các khoản chi tiêu của mình trong tháng tại Lund (thời gian 2016-2018)
Kinh nghiệm tiết kiệm sinh hoạt phí của du học sinh
Để giảm bớt phần nào chi phí, mình đã làm thêm. Các công việc mình từng làm
Quản lý tầng ở ký túc xá Công việc chính là đầu mối liên lạc giữa trường và các sinh viên trong ký túc. Mỗi tầng có một bạn quản viên, đốc thúc trực nhật, cập nhật thông tin. Lương của quản viên là 500 SEK/ kỳ.
Thái thịt bò cho quán phở Việt Mỗi tháng mình được khoảng 700 SEK tùy theo số kg thịt mình thái được. Việc này chỉ làm vài giờ/ tuần thôi.
Tham gia phục vụ tại các CLB sinh viên Công việc này hoàn toàn không được trả bằng tiền, nhưng được trả bằng phiếu ăn. Các phiếu ăn này cho phép mình tới ăn ở nhà hàng của CLB sinh viên, mức giá khoảng 40-50SEK/ bữa. Đây cũng là cơ hội hoàn toàn miễn phí để mình vừa làm, vừa quen nhiều bạn sinh viên quốc tế hơn.
Làm đại sứ online cho trường, khoa Ở trường thường có các tài khoản instagram để sinh viên thay nhau lên sóng. Mỗi sinh viên được chọn sẽ được trả khoảng 200 SEK/ tuần. Thường mỗi bạn cũng chỉ được nhận một lần thôi.
Cho thuê lại thẻ phương tiện công cộng Những ngày mình không đi học, mình cho thuê lại thẻ. Mỗi lần cho sinh viên khác thuê thẻ, mình được 50SEK/ ngày.
Làm thêm ở quán sushi Khi đã học xong, mình xin làm ở quán sushi trong lúc tìm việc. Ở quán mình đã từng là nhân viên xếp bát vào máy rửa, đứng bếp nóng, đứng quầy sơ chế và cuộn sushi. Lương ở đây đủ để mình chi trả hết chi phí sinh hoạt và dư một khoản nhỏ du lịch. Tùy vào số giờ, mình có thể được 8000-9000 SEK/ tháng.
Bí quyết tiết kiệm sinh hoạt phí khi du học
Mình còn làm một số việc vặt nữa không đáng kể để tiết kiệm chi phí. Khi du học ở một đất nước có mức sống cao, mình phải cân nhắc mọi chi tiêu để không đặt gánh nặng quá lớn cho gia đình. Một số tips mình muốn chia sẻ là:
Chịu khó, chăm chỉ. Nếu bạn có thể lao động, bạn có thể giảm được kha khá chi tiêu. Từ việc tự nấu ăn đến làm thêm, việc gì cũng cần sự chăm chỉ, kiên trì.
Năng động tham gia các hoạt động. Đôi khi bạn không được trả tiền nhưng sẽ được trả lại cơ hội, hoặc một bữa ăn.
Đừng quá chặt chẽ. Nghe có vẻ hơi ngược, nhưng đúng vậy. Nếu bạn luôn cân đo đong đếm, quy đổi sang tiền Việt thì bạn sẽ không dám tiêu gì. Hãy biết điều gì đáng cân nhắc, điều gì không.
Thời gian đầu bạn sẽ tiêu nhiều tiền hơn. Đừng hoảng hốt! Sau khoảng 1-2 tháng ổn định cuộc sống, bạn sẽ tìm lại được cân bằng tài chính hàng tháng.
Bạn có thể tham khảo thêm bài viết: Đắt, Rẻ và Miễn phí ở Thụy Điển để biết mức sống ở đây cũng không cao một cách vô lý.
Chúc các bạn chi tiêu thật hợp lý.
Tác giả: Hà Trang Vân
"Bài viết được chia sẻ lần đầu vào tháng 03/2021 tại trang https://fallinfika.com/.
Comments