top of page
Writer's picturechiaselund

Tìm các công việc “ẩn” - hidden jobs

Thông thường mọi người thường bắt đầu quá trình tìm kiếm việc làm qua các kênh tuyển dụng như Linkedin, Monster, Graduateland (20 trang web tìm việc tại Thụy Điển). Nhưng theo nghiên cứu gần đây, khoảng 70% - 80% vị trí sẽ không được đăng tuyển qua kênh tuyển dụng nào cho đến khi công ty tìm được nhân sự cho vị trí đó. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn biết cách tìm các công việc như vậy. Ngoài ra cũng có một số lời khuyên để bạn có thể viết một bức thư ứng tuyển gây ấn tượng với các chuyên viên tuyển dụng và mở ra cơ hội việc làm cho bạn.

Tìm các công việc “ẩn” - hidden jobs

1. Hidden jobs là gì?

Là vị trí tuyển dụng không được đăng tuyển quảng cáo ở các kênh tìm việc nào. Vị trí này được tuyển dụng dựa trên sự giới thiệu của các nhân viên đang làm việc hoặc từ các mối quan hệ của người tuyển dụng. Có nhiều nguyên nhân giải thích tại sao vị trí tuyển dụng không được đăng tuyển:

  • Tuyển dụng qua các kênh quảng cáo là quá chuyên sâu

  • Giá dịch vụ tuyển dụng nhân sự đắt đỏ

  • Người quản lý tin tưởng nhân sự mà họ biết hoặc họ được giới thiệu

2. Tìm "hidden jobs" ở đâu?

Dành cho những người đang tìm việc làm và quan tâm đến các công việc ẩn: có 3 nguồn thông tin để đưa bạn đến gần với những công việc mà không được đăng tuyển ở kênh nào


a. Tìm đúng người

Bạn có thể tìm ra công việc ẩn bằng cách tự mình có những mối liên hệ phù hợp. Thực tế là có rất nhiều người không được tuyển dụng vì họ chỉ biết gửi đơn xin việc hoặc CV. Còn những người khác được tuyển dụng vì họ có mối quan hệ, những người mà họ biết lại có kết nối với những người có thể giúp họ tìm việc. Thế nên bây giờ bạn cần ra ngoài và kết nối với tất cả những người bạn biết, từ bạn bè và gia đình đến đồng nghiệp cũ, chủ lao động, giáo sư... Hãy để mọi người trong network của bạn biết rằng bạn đang tìm việc và đảm bảo rằng họ biết rõ về trình độ học vấn, kỹ năng và kinh nghiệm của bạn. Nếu họ nghĩ rằng bạn phù hợp với một công việc nào đó, họ sẽ không ngần ngại giới thiệu bạn. Càng ngày càng nhiều công ty tuyển dụng nhân sự qua việc giới thiệu ứng viên như thế này. Thay vì lướt web để tìm việc, bạn hãy nên ra ngoài kết nối với mọi người, tham dự các sự kiện, ngày hội nghề nghiệp. Và bạn hãy cố gắng tạo mối quan hệ thật ý nghĩa trước khi đưa ra gợi ý nào về công việc hay việc làm nhé.


b. Dùng chính danh tiếng của bản thân

Các chuyên viên tuyển dụng thường tiếp cận với những ứng viên có học vấn và kinh nghiệm làm việc "match" với vị trí tuyển dụng. Hồ sơ cá nhân online của bạn bây giờ phát huy hiệu quả rồi đấy. Bằng những cách dưới đây, bạn có thể nhận được thông báo về cơ hội việc làm tại các công ty:

  • Xây dựng thương hiệu cá nhân online (qua các website việc làm khác nhau)

  • Tạo website cá nhân

  • Không ngừng nộp hồ sơ tìm việc

  • Không nói xấu về công ty cũ

  • Để cho nhà tuyển dụng biết bạn đang "Open to work"

c. Tìm việc ẩn với các hồ sơ tự phát / Hãy để nhà tuyển dụng tìm thấy bạn

Nếu bạn đang tích cực tìm kiếm một thử thách mới trong công việc, thì các hồ sơ tìm việc tự phát là một cách hay. Lập danh sách các công ty mà bạn muốn làm việc và tìm chi tiết liên hệ của người quản lý hoặc nhà tuyển dụng. Sau đó, bạn liên hệ với họ bằng một email chào hỏi, đính kèm CV của bạn và một lá thư cá nhân nêu rõ lý do tại sao bạn quan tâm đến việc trở thành một phần của công ty. Bạn sẽ có thể được xem xét cho các công việc ẩn khi các vị trí tuyển dụng xuất hiện đấy.


3. Mẹo chuẩn bị một lá thư chào hỏi đầy thuyết phục

Về cơ bản, có 2 cách để bạn chủ động "apply" công việc không được đăng tuyển. Bạn có thể gọi điện tới người phụ trách ở công ty, hoặc bạn cũng có thể gửi một lá thư chào hỏi. Cách thứ hai thường được mọi người sử dụng nhiều hơn. Để có sự chú ý của người đọc cũng cần phải có mẹo đấy. Chúng tôi tổng hợp được 3 "tips" viết thư chào hỏi như dưới đây, bạn có thể áp dụng để nâng cao khả năng tìm việc ẩn của mình nhé.


#Tip 1 - nghiên cứu về background của công ty và vị trí công việc

Hãy nghĩ một cách thấu đáo nhé: Bức thư này sẽ gửi đến cho ai? Người này có trách nhiệm hoặc vị trí gì trong công ty? Cố gắng tìm hiểu thật nhiều thông tin về lĩnh vực hoạt động của công ty. Ví dụ:

  • Tìm hiểu về công ty qua các kênh truyền thông

  • Đọc các bài viết chia sẻ trên website công ty

  • Sử dụng dữ liệu chia sẻ công khai. Mọi công ty thường có bài viết tổng hợp về lịch sử và tình hình hiện tại của doanh nghiệp mình

  • Phỏng vấn nhân viên công ty

Từ những thông tin thu thập được, bạn có thể "modify" nội dung bức thư cho phù hợp, cốt làm sao thể hiện được bạn rất quan tâm và hiểu rõ về công ty như thế nào. Điều này giúp ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng, khiến bạn trở thành một ứng viên tiềm năng cho các vị trí tuyển dụng phù hợp trong tương lai.


#Tip 2 - thể hiện mình là người hiểu biết

Sau khi bạn đã tìm hiểu về công ty, ngành nghề công việc… hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn hiểu biết về công ty họ ra sao, chứ đừng chỉ dừng lại ở việc kể tên công ty hay địa chỉ công ty nhé. Bạn có thể đưa ra những câu hỏi để thể hiện bạn rất quan tâm đến công ty, hoặc chẳng hạn bạn biết rõ kế hoạch phát triển công ty như thế nào. Theo chúng tôi, tốt nhất là bạn nên đưa ra câu hỏi thật khéo léo để thể hiện bạn quan tâm đến sứ mệnh của công ty trong lĩnh vực ngành nghề đó thế nào. Bạn cũng nên hướng sự quan tâm của mình đến người nhận thư, hoặc người ở phòng ban sẽ được "forward" bức thư này. Có như vậy bạn sẽ nhận ra mình cần viết thư theo hướng nào, và gọt dũa nội dung thư cho phù hợp.


#Tip 3 - Bạn mang đến giá trị gì

Nên nhớ rằng việc bạn thành thạo các phần mềm văn phòng hay việc bạn có 5 năm kinh nghiệm làm việc cũng không mang lại cho bạn lợi thế nào quá đặc biệt đâu nhé. Hãy nghĩ về những kỹ năng bạn có mà những ứng viên khác không có - những thứ góp phần giúp công việc trôi chảy và team nhóm dễ dàng đạt mục tiêu. Đó có thể là việc bạn đưa ra đề xuất công việc hay ý tưởng nào đó mà rõ ràng mang lại lợi ích cho công ty. Hoặc cũng có thể là đề cập rằng bạn đã từng hoàn thành công việc xuất sắc như thế nào, mang lại hiệu quả công việc ra sao. Dừng lại một chút nhé, bạn cũng cần thật tỉnh táo để đừng chém gió quá đà, vì phô trương quá cũng không tốt đâu, thậm chí còn làm người đọc thấy phô quá mà ngán ngẩm ấy. Thế nên bạn cần chọn câu từ hay cách hành văn thật lịch sự, phù hợp vừa phải, tôn trọng người đọc, dẫn chứng đưa ra ngắn gọn súc tích nhưng phải thật chuẩn xác nhé.


Chúc các bạn may mắn!

Nguồn tham khảo

12/2022 Tác giả: ChiaseLund

227 views

Comments


bottom of page