top of page
Writer's picturechiaselund

Kinh nghiệm nộp học bổng Chính phủ Thụy Điển SISGP

Chào các bạn. Mình là Thảo, SISGP scholarship holder 2021-2022. Ở bài viết này, mình xin giới thiệu thông tin cơ bản về học bổng SISGP và những kinh nghiệm/ tip của mình khi apply học bổng này. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với ai đó, những người trẻ đang khát khao trên con đường săn học bổng để bay đi khám phá những vùng đất mới :)

Kinh nghiệm nộp học bổng Chính phủ Thụy Điển SISGP

Ngày nắng ở Lund, ảnh tác giả cung cấp.


I. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ HỌC BỔNG SISGP

1. Thông tin chung

Tên đầy đủ của học bổng là SI Scholarship for Global Professionals – một trong những học bổng danh giá của Chính phủ Thụy Điển nhằm phát triển tài năng lãnh đạo cho các học giả toàn cầu có mong muốn thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Chi tiết mời các bạn xem tại:


2. Giá trị của học bổng bao gồm:

  • Toàn bộ học phí tại các trường Đại học tại Thụy Điển

  • Chi phí sinh hoạt: 11,000 SEK/ tháng

  • Chi phí vé máy bay khứ hồi trả một lần 15,000 SEK

  • Bảo hiểm sức khỏe và sinh mạng

  • Các chi phí liên quan đến thủ tục visa

  • Trở thành thành viên của mạng lưới SI Network for Future Global Professionals (NFGP) và sau đó là The SI Alumni Network, với cơ hội tham gia các khóa học lãnh đạo, workshops và tham quan các doanh nghiệp lớn tại Thụy Điển,…nhằm phát triển khả năng lãnh đạo và mở rộng network giữa các học giả khác trên toàn cầu. Những network này sẽ còn được duy trì ngay cả sau khi chương trình học kết thúc.


3. Quy trình nộp học bổng:

Quy trình sẽ gồm 2 phần độc lập: (1) Nộp hồ sơ vào các chương trình Thạc sĩ – diễn ra từ tháng 10 đến tháng 1, kết quả sẽ có vào cuối tháng 3; và (2) Nộp hồ sơ vào chương trình học bổng SISGP – diễn ra vào khoảng tháng 2, kết quả sẽ có vào khoảng cuối tháng 4.

Kinh nghiệm nộp học bổng Chính phủ Thụy Điển SISGP

II. MỘT VÀI KINH NGHIỆM/ TIP

Dưới đây là những kinh nghiệm mình đã học hỏi được từ những người đi trước hoặc tự đúc rút ra trong quá trình săn học bổng hính phủ bậc thạc sĩ. Với mình, chuyện săn học bổng không phải là con đường dễ dàng. Bởi vì mình tự nhận thức được rằng, hồ sơ của mình không đủ mạnh để có thể “đánh đâu trúng đấy”. Mình không có bảng điểm GPA đại học cao, cũng không có công trình nghiên cứu khoa học hàn lâm nào cả. Cái mình có chỉ là một khao khát giành được học bổng toàn phần lớn lao, và một chiến lược để trở thành người phù hợp nhất với học bổng này. Bởi vì mình tin rằng: Học bổng không dành cho người giỏi nhất, mà sẽ dành cho người phù hợp nhất!


TIP 1: Tính toán cơ hội

Săn học bổng toàn phần là hành trình cần sự chuẩn bị kĩ càng. Vì vậy, để tránh lãng phí sức lực, mình cần tính toán cơ hội giành được học bổng này có khả thi với năng lực của mình không, rồi mới bắt đầu đầu tư vào nó.


Ví dụ, mình sẽ nghiên cứu số liệu trúng tuyển SISGP 4 năm gần đây để ước tính cơ hội. Danh sách trúng tuyển được công bố minh bạch trên trang web nên mình tổng hợp số liệu như sau:

Kinh nghiệm nộp học bổng Chính phủ Thụy Điển SISGP

Từ bảng trên, mình nhận thấy: 4 năm gần đây, tuy số người nộp hồ sơ tăng, nhưng các con số % lại không có biến động đáng kể. Số % người đạt học bổng trên tổng người nộp hồ sơ loanh quanh mức 4%-6%, và người VN đạt học bổng khoảng 7-10 người tương đương tầm 2%-3% trên tổng số người đạt học bổng. Dĩ nhiên không thể đảm bảo tương lai năm tới, số liệu sẽ ổn định như vậy, vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác (ví dụ như định hướng riêng của học bổng, nguồn ngân sách học bổng, …). Nhưng mình vẫn có thể dựa vào số liệu này, để phần nào dự phóng cơ hội cạnh tranh của mình. Mình cảm thấy với số liệu như vậy, thì mình vẫn có cơ hội. Còn ví dụ như một học bổng khác, cũng cạnh tranh toàn cầu với hàng nghìn hồ sơ, nhưng chỉ lấy 10 suất thì mình sẽ từ bỏ luôn để tiết kiệm thời gian, vì mình tự thấy hồ sơ của mình không đủ mạnh để cạnh tranh được như vậy.


Danh sách còn cho biết thông tin ngành mà người trúng tuyển chọn theo học. Mình cũng đã lọc thử xem, qua 4 năm, nhóm ngành nào được trao học bổng nhiều nhất. Từ đó có thể suy ra những nhận định riêng về định hướng của học bổng, và liên hệ đến nhóm ngành mình đang chọn.


Không phải học bổng nào cũng công khai danh sách trúng tuyển để mình có thể khai thác thông tin chi tiết như vậy, nhưng sẽ luôn có cách nào đó, dù ít dù nhiều, để bạn có thể ước chừng được cơ hội cạnh tranh của mình.


TIP 2: Hiểu về học bổng và chứng minh mình phù hợp

Chia sẻ thêm về vấn đề hiểu về học bổng, thường học bổng Chính phủ chia làm 2 loại chính:

(1) Học bổng tài năng (merit-based): dựa trên tài năng, học lực, khả năng nghiên cứu,…

(2) Học bổng tiềm năng (potential-based): cấp cho những người có tiềm năng thực hiện những nhiệm vụ mà tổ chức cấp học bổng giao phó, ví dụ như thúc đẩy sự phát triển, trở thành nhà lãnh đạo trong tương lai, thúc đẩy giao lưu văn hóa… (SISGP là học bổng potential-based)


Điểm GPA đại học của mình không cao, vì thế đối với học bổng merit-based, mình không phải là người phù hợp. Hoặc với những học bổng Chính phủ có sự ưu tiên nhất định cho một nhóm đối tượng nào đó (ví dụ như làm cho NGO, làm cho nhà nước,…), thì người làm trong lĩnh vực tư nhân như mình cũng rất khó để cạnh tranh, nên mình cũng không phải là người phù hợp.

Vì thế, hiểu về học bổng rất quan trọng, bởi nếu không, bạn sẽ không có lợi thế cạnh tranh, và rất khó để chứng minh cho ban xét tuyển học bổng thấy mình là người xứng đáng nhận học bổng.


Sau khi đọc tất cả các thông tin về học bổng SISGP trên website, về yêu cầu của họ đối với ứng viên, và về các giấy tờ cần nộp, mình bắt đầu có hình dung trong đầu về một hình tượng mà SISGP cần. Theo quan điểm cá nhân của mình, 3 yếu tố chính SISGP muốn nhìn thấy từ bạn là:

- Đã có kinh nghiệm làm việc (trên 3000 giờ)

- Có tiềm năng, khả năng lãnh đạo

- Có đóng góp cho các mục tiêu phát triển bền vững

Chính vì thế, tất cả những thứ mình đưa vào hồ sơ đều thể hiện rất rõ bản thân mình qua 3 yếu tố trên. Mình cố gắng truyền thông điệp qua bộ hồ sơ rằng: tôi đã có đủ những điều SISGP muốn.


TIP 3: Tính nhất quán qua bộ hồ sơ

Tại sao ban học bổng phải đầu tư tiền cho bạn đi học?

Ngành học Đại học -> Kinh nghiệm làm việc -> Ngành học Thạc sĩ -> Dự định tương lai

Nếu ở ĐH học về Kinh tế, sau đó kinh nghiệm làm việc là Kế toán, rồi muốn học Thạc sĩ ngành Marketing, để sau này làm về Truyền thông. Với sự thiếu nhất quán như vậy, sẽ rất khó để thuyết phục ban học bổng dành cơ hội cho bạn.

Một hướng đi hợp lý hơn sẽ là, ngành học ĐH của bạn nên gần giống với kinh nghiệm làm việc. Nếu không giống lắm, thì bạn nên có một kinh nghiệm làm việc với bề dày thành tích tốt, nhiều cống hiến đột phá, giải thưởng,… Sau đó, bạn nhận ra (1) ngành làm việc này đang có điều gì cần khắc phục, và (2) so với định hướng tương lai, bản thân bạn cũng cần bồi dưỡng thêm điều gì. Từ 2 thiếu sót trên suy ra việc cho bạn đi học Thạc sĩ là điều rất cần thiết!

Một điều lưu ý thêm là, khác với nhiều học bổng khác, hồ sơ SISGP có giới hạn viết Motivation Letter rất ngắn, chỉ khoảng 1000 kí tự (chưa được 12 dòng). Vì vậy, con người và động lực của bạn cần được thể hiện rất súc tích và sắc bén qua cả CV và Letter of Reference (Thư giới thiệu).


TIP 4: Hãy lắng nghe những người đi trước

Mình rất thích nghe những chia sẻ của người đi trước. Có thể họ sẽ có những góc nhìn rất thú vị mà nếu chỉ đọc thông tin trên website học bổng mình cũng chưa chắc đã nhận ra. Mình thích hỏi họ một câu là: Bạn nghĩ tại sao bạn giành được học bổng này?

Ngoài ra, mình cũng cảm thấy được truyền cảm hứng rất nhiều sau khi trò chuyện với các "Alumni", nghe họ kể những trải nghiệm đầy sắc màu về cuộc sống ở vùng trời khác, để quyết tâm hơn trên hành trình săn học bổng của mình.


Thông tin về học bổng Chính phủ trên mạng có rất nhiều và hỗn hợp, nếu muốn tìm hiểu thêm, các bạn có thể tham khảo Blog của anh Long D. Hoang (HB Chính phủ Anh Chevening), kênh Youtube của anh Duy Thanh Nguyen (HB Chính phủ Ireland), trang Amandery.com của bạn Duyen Dinh (HB SISGP).

Kinh nghiệm nộp học bổng Chính phủ Thụy Điển SISGP

Ngày tốt nghiệp, ảnh tác giả cung cấp


Và cuối cùng, để thành công trên con đường này thì may mắn cũng là một yếu tố rất quan trọng. Vì vậy, mình chúc tất cả các bạn thật may mắn và có sự chuẩn bị thật tốt trên hành trình đi tìm học bổng của mình!


1/2023 Tác giả: ThaoHP

1,319 views

Comments


bottom of page