top of page
Writer's pictureQuy Truong

Từ Nhật tới Thụy Điển, những cảm nhận riêng

Nhật Bản và Thụy Điển đều là hai nước phát triển cao, chất lượng cuộc sống tốt và là đích đến để làm việc và sinh sống của nhiều người Á Đông trong đó có Việt Nam. Sau một khoảng thời gian sống và làm việc ở hai đất nước này, bản thân mình cảm nhận được rõ nét sự tương đồng và khác biệt, cả về thời tiết khí hậu lẫn văn hóa và đời sống xã hội.

Từ Nhật tới Thụy Điển, những cảm nhận riêng

Về thời tiết, khí hậu, cảnh sắc

Cả Nhật Bản và Thụy Điển đều có lãnh thổ kéo dài theo chiều Bắc Nam, sự chênh lệch vĩ độ không quá lớn nên thời tiết, khí hậu có nhiều điểm tương đồng: phía bắc lạnh lẽo, càng về phía nam càng ấm áp, mát mẻ. Ở Nhật, mình sống ở vùng Tokyo, còn ở Thụy Điển mình sống tại Lund. Cả hai nơi này theo cảm nhận cá nhân mình thì thời tiết, khí hậu không có sự khác biệt mấy: bốn mùa rõ rệt, mùa nào cũng có nét đặc trưng riêng như mùa đông hay đầu xuân thì lạnh lẽo, cuối xuân đầu hè thì mát mẻ, ấm áp và đi đâu cũng thấy hoa nở rực rỡ, mùa thu thì nhìn phong cảnh như những tấm thảm mềm mại được tô điểm bởi màu hổ phách chủ đạo, điểm vào đó những khoảng đỏ, vàng rực rỡ.


Cả Tokyo và Lund đều rất sạch sẽ, không khí trong lành. Gần chục năm sống ở Hà Nội, mình rất ít khi có dịp được ngắm sao đêm lấp lánh, nhưng khi sống ở Nhật hay ở Lund, mình dễ dàng nằm dài ở bãi cỏ trong công viên hay một sườn đồi để ngắm gió thưởng trăng.


Dù Tokyo và Lund có nhiều điểm tương đồng, nhưng đi sâu về phía Nam của Nhật, sự khác biệt về khí hậu thời tiết rõ ràng hơn. Nếu có dịp đến vùng Osaka hay Okinawa, bạn sẽ cảm nhận được sự ấm áp của nơi này không khác gì ở vùng Đà Lạt, Lâm Đồng của VIệt Nam. Có lẽ khó có nơi nào ở Thụy Điển có thời tiết tương đồng với vùng phía Nam ở Nhật.


Về văn hóa, ẩm thực và đời sống

Đây có lẽ là điểm khác biệt rõ rệt mà mình cảm nhận được. Ở Nhật, bạn dễ dàng bắt gặp các lễ hội truyền thống ngay giữa lòng các thành phố lớn. Trong dịp lễ, người Nhật thường mặc trang phục kimono truyền thống, bất luận già trẻ gái trai, cùng múa hát theo nhịp trống. Khi hòa mình vào dòng người trong những dịp lễ hội này, mình cảm thấy như đang tham gia các lễ hội làng truyền thống ở Việt Nam. Ở Thụy Điển mình không có được cảm nhận này. Vào mùa xuân, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5, bạn có thể tham gia lễ hội hoa anh đào ở bất cứ một công viên nào ở Nhật Bản. Chỉ đơn giản cùng bạn bè mang đồ ăn, thức uống, vài tấm bạt để trải trên nền cỏ, vừa thưởng thức ẩm thực, vừa ngắm hoa, vừa trò chuyện với nhau. Nhìn những bông hoa Anh Đào rung rinh trong gió xuân, hay những cánh hoa rơi xuống như mưa trong làn gió xuân nhẹ nhàng mới cảm nhận được rõ vẻ đẹp tinh khiết mà đơn sơ của loài hoa này.




Taị Nhật, mặc dù phụ nữ có quyền bình đẳng như nam giới, được quy định trong hiến pháp, nhưng có lẽ do chịu ảnh hưởng của văn hóa Khổng Mạnh cả ngàn năm nên trong gia đình, người chồng, người cha thường có uy quyền hơn. Phụ nữ Nhật lựa chọn sống ở nhà nội trợ, chăm con và quán xuyến các công việc liên quan đến gia đình, họ hàng nhiều hơn.


Ẩm thực Nhật Bản có lẽ đặc sắc hơn nhiều so với ẩm thực ở Thụy Điển theo cảm nhận của riêng mình. Ở Nhật bạn có thể bắt gặp hàng trăm món bánh mochi làm từ gạo nếp và các loại hạt đậu, hàng chục loại mì ramen, soba, hàng trăm món ăn từ hải sản mà có lẽ không thể không nhắc đến sushi hay sashimi. Nhật cũng có rất nhiều món ăn tương đồng với Việt Nam như có rất nhiều các loại dưa muối, các loại nước tương. Nếu bạn sống ở một thành phố của Nhật, bạn có thể dễ dàng thưởng rất nhiều món ăn từ 11:00 đến khoảng nửa đêm. Nhiều quán của người Tàu có khi còn mở đến 2 giờ khuya. Điều này khác biệt hẳn với ở Thụy ĐIển, nơi mà hầu như các quán ăn đóng cửa hết vào 9h tối.


Cả người Nhật và người Thụy Điển mình đều thấy rất sẵn lòng giúp đỡ người khác, nhưng người Nhật có lẽ dễ gần gũi hơn người Thụy Điển. Ở Nhật, đồng nghiệp dễ dàng trở thành bạn bè thân thiết, nhưng ở Thụy Điển mình cảm nhận rằng có một ranh giới khá rõ ràng giữa bạn bè và đồng nghiệp. Tuy nhiên, trong công việc thì ở Nhật bản các tổ chức có lẽ không cởi mở và “phẳng" như ở Thụy Điển. Nếu bạn làm cho một công ty Nhật, sẽ không dễ dàng để bạn nói chuyện với giám đốc mà không qua một số quản lý cấp dưới khi bạn chỉ là một nhân viên.


Nhật Bản cũng có những khoảng tối mà nếu không sống và làm việc ở đó, bạn khó có thể biết được. Áp lực công việc lớn, nên nhiều người phải làm thêm giờ rất nhiều. Việc người Nhật rời văn phòng khoảng từ 8:00pm đến 10:00pm là rất phổ biến. Thậm chí có nhiều người còn làm việc đến 11h khuya hay muộn hơn rồi mới bắt chuyến tàu cuối cùng về nhà. Nhiều người Nhật họ giống như là hai con người khác nhau hoàn toàn, khi ở sở làm và khi tan sở, đặc biệt là những người trẻ. Sau khi làm việc căng thẳng, những người trẻ chưa có gia đình thường nhậu hay đi hát karaoke cùng nhau.Tỷ lệ tự tử ở Nhật Bản cũng khá lớn. Làm việc ở Thụy Điển có lẽ nhẹ nhàng hơn nhiều, nhưng tựu chung lại thì chúng ta đều phải hoàn thành tốt công việc của mình.


Người Nhật cũng như người Thụy Điển, rất chú trọng đến giáo dục. Cũng như ở Thụy Điển, bất cứ khu dân cư nào cũng có thư viện cả, và bạn mượn trả sách ở thư viện Nhật thì cực kỳ dễ dàng. Thời gian mượn thường là một tháng, và bạn có thể mượn không giới hạn số lượng sách, thể loại sách, chỉ là bạn có đủ thời gian để đọc nó hay không. Nhưng người Nhật không open về văn hóa như người Thụy Điển. Đến Nhật, bạn cần phải biết tiếng Nhật, nếu không sẽ rất khó hòa nhập vào cuộc sống ở đây. Tiếng Anh đến thời điểm hiện tại vẫn chưa quá phổ biến ở Nhật Bản. Bạn sẽ dễ dàng nhận được sự trợ giúp rất nhiệt tình của người Nhật nếu bạn hiểu vài câu giao tiếp cơ bản nhưng sẽ rất khó gặp được người có thể hướng dẫn bạn bằng tiếng Anh nếu không phải ở các trung tâm thành phố lớn.


Một điều rất ấn tượng là ở Nhật thì tình trạng an ninh theo cảm nhận của mình là rất tốt. Bạn hiếm khi bị mất trộm. 5 năm mình ở Nhật, xe đạp luôn để ở hông nhà, có khi khóa, có khi không mà cũng chẳng ai lấy cả. Có lần mình để quên balo ở trong ghế chờ ở ga kawasaki, một ga mà có đến cả triệu lượt người qua lại trong một ngày, nhưng hai tiếng sau quay lại tìm thì nó vẫn ở đó, không mất một đồ gì bên trong. Tệ nạn trộm cắp không phải không có, nhưng chủ yếu do người nhập cư, nhưng về cơ bản thì tốt hơn nhiều so với bên Thụy Điển.


Một điểm đặc sắc không thể không nhắc đến khi nói về Nhật Bản là động đất. Ngày nào ở Nhật bản cũng có động đất, chỉ là người ta chỉ để tâm đến nó khi độ rung lớn từ tầm 4.5 độ richter trở lên. Đang ngủ bạn cũng có thể bị bật ra khỏi giường vì động đất. Đang làm việc bạn có thể nhìn thấy tòa nhà cao tầng bên cạnh lắc qua lắc lại như ngọn bạch đàn bị gió quất. Hầu hết động đất ở Nhật có cường độ nhỏ, nhưng với những trận động đất lớn hiếm hoi xảy ra, sức tàn phá của nó rất khủng khiếp. Nếu bạn có ý định du lịch Nhật Bản, hay có ý định đến đó sống và làm việc, nên kiểm tra kĩ dự báo về động đất trước khi đi. Hi vọng Thụy Điển sẽ không có động đất ^_^. Thụy Điển, đặc biệt là Lund, mình thấy khá yên bình, mọi thứ nhẹ nhàng, không sô bồ. Nếu bạn thích một nơi yên bình, nhưng không hoang dã, vừa cổ kính vừa hiện đại, có lẽ Lund là một điểm đến lý tưởng cho trải nghiệm của bạn.


Người Việt ở Nhật và Thụy Điển

Sống ở Nhật và Thụy Điển, có lẽ không thể không nhắc đến cộng đồng người Việt ở đây. Mình đến Nhật năm 2015, thời điểm đó toàn Nhật bản có khoảng 145 000 người Việt rải rác ở khắp cả các vùng của Nhật Bản. Đến năm 2020, con số tăng lên nhiều lần, khoảng 400 000 có cư trú hợp pháp, chưa tính người cư trú bất hợp pháp. Con số này cao hơn nhiều lần so với người Việt ở Thụy Điển. Mình kết nối với cộng đồng người Việt khi tới Nhật qua hai kênh: facebook và bạn bè, đồng nghiệp giới thiệu. Mình qua nhật để làm việc nên nhận được sự hỗ trợ rất nhiều của công ty, từ việc tìm chỗ ở, hướng dẫn đi lại nhưng để hòa nhập với cuộc sống ở Nhật thì việc nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ từ cộng đồng người Việt ở đó cũng rất nhiều. Khi mình mới sang Nhật, các thủ tục đăng ký cư trú, khai báo thuế … với chính quyền đều phải tự làm, nhưng tất cả đều bằng tiếng Nhật. Công ty có đưa ra hướng dẫn, nhưng cũng rất hạn chế. Có những anh chị sẵn sàng bỏ cả một vài ngày ra để cùng mình đi đến trụ sở ủy ban, làm thông ngôn giúp mình để hoàn thành thủ tục. Khi mình bị ốm, vì tiếng Nhật không tốt nên khó có thể giải thích tình trạng của mình cho bác sĩ, nếu không có các anh chị đi trước giúp đỡ thì không biết xoay sơ thế nào.


Người Việt ở Nhật hình thành cộng đồng theo quy mô từ lớn đến nhỏ, có các hội của người Việt, hội của sinh viên, du học sinh, hội của thực tập sinh, hội của người Phật tử, người công giáo hay các nhóm nhỏ trong phạm vi cư trú … Cơ bản là rất đa dạng.


Ở Nhật, cộng đồng người Việt ngoài việc giúp nhau ổn định cuộc sống, mọi người còn trú trọng đến việc giữ gìn văn hóa Việt cho các thế hệ trẻ người Việt sinh ra tại Nhật. Nhiều trường dạy tiếng Việt cho trẻ em được mở ra, với mục đích dạy cho trẻ giao tiếp bằng tiếng Việt thông qua việc học trên lớp cũng như các hoạt động ngoại khóa, và nó cũng góp phần gắn kết cộng đồng tốt hơn.



Những bạn du học sinh hay thực tập sinh mới qua, ngoài việc nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt nói chung còn nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ hội Phật tử Việt Nam ở Nhật Bản. Nhiều mái chùa Việt ở Tokyo là mái nhà trong thời gian không ngắn của rất nhiều bạn du học sinh cơ nhỡ: mất việc, sinh con ngoài ý muốn.


Ở Thụy Điển, mình cũng thấy có các nhóm người Việt, từ cộng đồng người Việt nói chung đến các nhóm hội của sinh viên, du học sinh … nhưng hình như sự kết nối của mọi người còn nhiều hạn chế, có lẽ do đặc thù của Thụy Điển là đất rộng người thưa và mọi người chưa kết nối được nhiều. Cũng có lẽ do mình không biết về các hoạt động của người Việt ở Thụy Điển nên có nhận định hơn phiến diện.


Trên đây là một số cảm nhận cá nhân của mình về cuộc sống ở Nhật Bản và Thụy Điển, mỗi nơi đều có điểm đặc sắc riêng. Nếu bạn đã từng tới Nhật Bản và đang sống ở Thụy Điển, hy vọng được nghe những trải nghiệm của bạn về hai đất nước này.


1/2023 Tác giả: Quy Truong

514 views

ความคิดเห็น


bottom of page