top of page
Writer's pictureNhật Hoàn

8 điều cần làm ngay khi đến Lund

Sau 3 năm Covid bị tắc kìm chân ở nhà thì bây giờ chúng mình đã có cơ hội lên máy bay rồi. Nếu bạn đến Lund tháng 8 này để bắt đầu một công việc mới hay một chương trình học mới thì dưới đây là 8 điều bạn nên làm ngay khi đến Lund nhé. Bài viết này mặc định bạn đã có chỗ ở, còn nếu chưa có thì đấy là điều số 0 mà bạn cần làm (tham khảo tại Các trang web cho thuê nhà tại Thụy Điển). Những điều này mình viết dựa trên bối cảnh ở Lund, tuy không đúng cho mọi vùng nhưng chắc chắn cũng sẽ vẫn có ích cho những bạn đến những vùng khác của Thuỵ Điển nhé.


1. Có 1 thẻ thanh toán quốc tế hoặc thẻ Revolut

Ở Thuỵ Điển, thẻ là phương thức thanh toán chính ở mọi nơi nên bạn đừng đổi tiền mặt làm gì cho chật ví. Ngoài cảm giác đại gia thì nó cũng không có gì khác biệt, thậm chí còn bất tiện vì phải nhận lại xu lẻ hoặc… rơi mất tiền như mình. Thế nên 1 thẻ thanh toán quốc tế (VISA, Mastercard…) là thứ rất cần thiết trong những ngày đầu tiên. Nếu có thể, bạn nên đăng kí tài khoản & thẻ Revolut để chuyển đổi tiền tỉ giá tốt và không bị tính phí chuyển đổi ngoại tệ từ các ngân hàng như khi bạn dùng thẻ thanh toán quốc tế thông thường.

8 điều cần làm ngay khi đến Lund

Để thuận tiện cho việc ghi nhớ, các bạn có thể xem và in ra bản danh sách các việc cần làm tại bài viết Checklist việc cần làm khi mới đến Thụy Điển


2. Mua SIM điện thoại

Không có số điện thoại thì khỏi liên lạc gì luôn và cũng chẳng có mobile data, thế nên đây là điều đầu tiên chúng ta phải làm nhé. Mình mua sim trả trước ở 7eleven luôn cho tiện. Với 150kr (krona: đơn vị tiền của Thuỵ Điển), mình được gọi và nhắn tin không giới hạn, có 5GB data và chính sách này áp dụng kể cả khi mình di chuyển sang nước khác trong khối EU. Ở Thuỵ Điển có nhiều hãng viễn thông như Telia, Telenor, hay Hallon nhưng mới đầu thì bạn cứ mua 1 cái sim để dùng mà không cần quan tâm nhiều. Về sau khi đủ giấy tờ, bạn nghiên cứu thêm xem thích nhà mạng nào thì đăng kí với họ sau, nếu muốn vẫn có thể giữ số chuyển mạng thoải mái.

8 điều cần làm ngay khi đến Lund

Hồi mình sang thì mua sim trả trước không cần giấy tờ gì cả, chỉ trả tiền và nhận SIM. Tuy nhiên từ 1/8/2022 thì bạn cần có hộ chiếu mới mua được SIM nên bạn chú ý mang theo nhé.


3. Ghé thăm các siêu thị gần nhà

Về cơ bản là có thực mới vực được đạo, thế nên chúng ta phải đi kiếm đồ ăn đã. Nếu bạn nào có mang theo vài gói mì để dự trữ thì có thể du di vài ngày. Còn như mình, cả vali không có gì ăn được thì mình phải đi chợ luôn. Ở đây có 4 siêu thị lớn là ICA, COOP, Willys, và Lidl, theo thứ tự giá cả giảm dần. ICA và COOP có nhiều cửa hàng, ít đồ Á, nhiều rau củ và thịt tươi, nếu mua các sản phẩm sale theo khuyến mại của từng tuần thì cũng không bị đắt quá. Willys có nhiều đồ Á hơn nhưng lại ít cửa hàng hơn, giá tầm trung bình. Bạn nào cần gạo thì Willys có gạo Việt luôn. Lidl thì rẻ nhất nhưng ít đa dạng đồ và cũng ít cửa hàng luôn. Một điểm trừ của Lidl đối với mình là không có máy thanh toán tự động, chúng ta luôn phải xếp hàng để thanh toán tại quầy, mà hàng thì lúc nào cũng dài.


Ở bên này siêu thị càng lớn càng xa trung tâm. Bạn có thể nhìn thấy rất nhiều ICA, rất nhiều COOP nhưng chỉ có ICA Maxi và Stora COOP là lớn và nhiều đồ nhất, ở xa nhất, giá ổn áp nhất. Còn lại các siêu thị cỡ trung bình hoặc nhỏ thì giá sẽ đắt hơn nhé. Cái Pressbyran gần ga tàu thì thôi rồi, chém con dân bằng chết =))) Thế nên chịu khó đi xa mua 1 tuần 1 lần cho đỡ đau ví.


Ngoài ra mỗi hệ thống siêu thị đều có app riêng của họ, bạn có thể tải app về điện thoại để xem những khuyến mãi hàng tuần và canh mua được sản phẩm rẻ.

8 điều cần làm ngay khi đến Lund

Các siêu thị tại Thụy Điển


4. Mua vé giao thông công cộng

Bên này không có xe máy để phi vèo cái đến nơi nên trong lúc mới đến hoặc là đi tàu bus (mình gọi tắt cho train, bus, tram,.. nhé) hoặc là đi xe đạp. Xe đạp mới bên này khá đắt, xe đạp cũ thì rẻ hơn nhưng cũng phải từ từ xem xét và cân nhắc thế nên tháng đầu mình cứ đi tàu bus đã nhé. Mình cũng gợi ý các bạn mua vé tháng luôn cho tháng đầu để vừa đi lại cho học hành, công việc, vừa khám phá khu mình bạn sống luôn vì vé lượt khá đắt. Vé tháng ở Lund là khoảng hơn 550kr, vé toàn vùng Skane là 1200kr, có thẻ sinh viên thì được discount 20% nhưng mà câu chuyện để được discount cũng cần thêm một số thủ tục khác nữa nên mình sẽ viết sau. Tạm thời chúng ta làm cái vé để không bị trói chân đã.


Bạn mua vé điện tử trên app Skanetrafiken (cần có sđt để đăng kí app) hoặc vé giấy tại cây bán vé ở ga tàu. Mua vé trên app thì tiện hơn vì không sợ rơi mất vé ở đâu mà không tìm lại được. Nếu bạn không có nhu cầu đi nhiều thì app Skanetrafiken có mục cho thuê vé. Bạn lên tìm Facebook Group: “Lund Jojo card Rental/Exchange” để thuê vé. Bạn có thể thuê theo giờ, theo ngày, hay vài ngày và giá cả thì tuỳ thuộc và 2 bên trao đổi với nhau. Chú ý tìm hiểu người cho thuê cho kĩ để không bị lừa nhé.


5. Đến sở thuế (Skatteverket)

Ngay ngày hôm sau sau khi hạ cánh, bạn phải mang hộ chiếu, visa và địa chỉ nơi bạn ở đến sở thuế để làm Personal number (nôm na là một con số mà ngay cả khi bạn mất trí nhớ, quên mất tên của mình, quên luôn tên người yêu (cũ), thì cũng đừng quên nó). Hộ chiếu với visa thì đơn giản rồi, còn địa chỉ nhà, bạn cần hỏi lại người cho bạn thuê nhà xem địa chỉ đó có đăng kí vào hệ thống được không nhé. Làm Personal number mất bao lâu còn tuỳ vào độ hên xui, người nhanh thì một tuần, người lâu thì hơn 3 tháng. Mà personal number lại là điều kiện tiên quyết cho một loạt các dự định về sau, thế nên bạn làm càng sớm càng tốt.

8 điều cần làm ngay khi đến Lund

Skatteverket tại Lund - ảnh từ Google Map


Làm Personal thì bạn không cần book lịch, chỉ cần đi ra sở thế xếp hàng là được. Đến lượt thì sẽ được các bạn ở đó hướng dẫn tận tình để điền thông tin vào máy tính. Mình tự điền, thắc mắc ở đâu thì hỏi ở đó. Các thông tin đó thể điền online trước ở nhà nhưng mà ai mà ngơ ngác như mình thì thôi, đến đó điền có người chỉ cho khỏi sai sót. Điền xong thì đi về chờ thôi, như mình nói bên trên, lâu hay không là hên xui.


Bạn có thể đọc thêm thông tin về personal number ở link đây nhé


6. Đi chợ và siêu thị châu Á

Ai mà ăn được đồ Tây và thích đồ Tây thì dễ rồi, mấy siêu thị bên trên giải quyết hết nhu cầu ăn uống còn ai mà rời vòng tay cơm gạo là thấy thiếu thốn như mình thì phải đi chợ châu Á sắm đồ. Mình có lượn lờ vài tiệm thì thấy hợp lí nhất cho cư dân ở Lund cả về chủng loại và giá cả là Asien Trading ở Malmo. Những đồ cần thiết như 100 loại nước mắm, nước tương, bánh tráng, mì gói, phở khô, các loại bột, các loại gia vị,… chẳng thiếu thứ gì. Nếu bạn muốn tìm nồi cơm điện thì ở đây cũng có luôn. Ngay bên cạnh Asien Trading có 1 tiệm East Asia nhưng giá luôn đắt hơn từ vài kr đến cả chục kr cho một sản phẩm y chang. Còn ai mà lười đi xa khỏi Lund thì Lokchan là dễ nhất rồi. Lokchan nằm ngay trung tâm Lund, cũng đang dạng chủng loại không kém nhưng đắt hơn Asien trading 5-20% tuỳ sản phẩm.


Một điểm mình thích là Asien Trading gần ngay chợ trời Malmo. Ai mà thuộc team rau củ quả thì sẽ lạc vào không lối thoát vì cơ man chủng loại rau quả. Bạn có thể tìm thấy các loại khoai lang, củ từ, riềng, sả, sầu riêng, chà là tươi,… với giá rẻ hơn siêu thị khá nhiều. Tất nhiên đồ chợ thì chất lượng không đồng đều được, có hàng đắt, hàng rẻ, hàng tươi, hàng để lâu. Có 1 sạp duy nhất ở đấy chỉ bán sản phẩm của Thuỵ Điển, tuy giá có đắt hơn nhưng chất lượng luôn tốt. Bạn để ý sẽ thấy một sạp có ít sản phẩm nhất, chính là nó.


Đi chợ mua rau củ cho mình cảm giác đi từng quầy, xem đồ, trả giá như ở VN. Người bán hàng còn niềm nở mời bạn ăn thử trái cây no cả bụng luôn. Nếu bạn mua sắm phù hợp thì sẽ tiết kiệm được kha khá tiền so với mua ở siêu thị. Nhớ mang trolley để không bị kiệt sức vì xách đồ.


7. Tham gia buổi gặp mặt hàng năm

Hàng năm, hội sinh viên ở Lund đều tổ chức một buổi chào mừng các anh chị em mới sang vào tháng 9, tuy nhiên cũng có rất nhiều anh chị đã đi làm tham gia cùng. Đây là cơ hội để gặp gỡ mọi người trong cộng đồng, làm quen và chia sẻ với nhau. Nếu bạn có bất cứ khó khăn gì thì đây chính là nơi bạn hỏi những người đi trước. Chắc chắn những chia sẻ của mọi người sẽ giúp những ngày tháng bắt đầu tại miền đất mới trở nên dễ dàng hơn nhiều.


8. Ghé chợ đồ cũ

Nếu bạn thuê nhà đã có sẵn đầy đủ tất cả trang thiết bị thì có thể bỏ qua mục này, còn không thì khoản sắm đồ đạc trong nhà không bao giờ là đủ cả và sẽ tiêu tốn kha khá tiền. Túi tiền của bạn rủng rỉnh thì có thể sắm IKEA một loạt luôn, chưa dư dả thì mua đồ cũ cũng là một phương án đáng cân nhắc.


Bạn có thể mua một số đồ cũ do các bạn sinh viên VN bán lại tại đây. Với tiêu chí chia sẻ và kết nối, các sản phẩm đã được kiểm tra, vệ sinh và bạn hoàn toàn có thể hoàn lại trong vòng 24h sau khi mua. Bạn có thể tham khảo tại link.


Bạn có thể mua online qua Nhóm “Lund Sell and Buy”, Facebook Marketplace hoặc lượn lờ ở các tiệm bán đồ second hand trong thành phố. Có khi chỉ cần 100kr là bạn tìm được rất nhiều đồ hữu dụng trong nhà rồi. Đồ càng cồng kềnh thì giá càng rẻ, nhiều khi người bán cho không luôn, vì vận chuyển đồ đạc bên này khá vất vả. Không có xe ba gác hay taxi tải như ở Việt Nam đâu.


Ngoài ra, bạn cũng tranh thủ để mắt để sắm 1 em xe đạp cũ nhé. Thời tiết cuối hè đầu thu này mà lượn lờ hóng mát với xe đạp cũng là một lựa chọn rất gì và này nọ đấy.


Trên đây là những việc mình nghĩ nên làm càng sớm càng tốt khi đến Lund. Ở bài viết sau, mình sẽ nói về các việc quan trọng tiếp theo cần làm trong khoảng 1-2 tháng đầu. Chúc các bạn sớm ổn định cuộc sống mới và tận hưởng thành phố yên bình này nhé.


08/2022 Tác giả: Nhật Hoàn


485 views

Comments


bottom of page