top of page
Writer's picturechiaselund

Kinh nghiệm tìm việc đúng ngành ở Thụy Điển

Tìm được việc đúng ngành sau khi học xong ở Thụy Điển là chủ đề được yêu cầu nhiều nhất của các bạn đọc nhưng cũng là chủ đề Kat lười viết nhất. Phần vì chủ đề này không phải chuyện đi chơi, mặc đẹp, yêu cuồng nhiệt – những đề tài quen thuộc của Kat mà phần nữa là vì Kat tự thấy mình chưa có sự nghiệp gì đáng kể, không có chiến lược gì cụ thể cho các bạn. Nhưng gần đây khi trả lời rất rất nhiều tin nhắn riêng của các bạn về đề tài này, Kat nghĩ mình cũng đúc kết được chút ít bài học và muốn chia sẻ với các bạn.

Kinh nghiệm tìm việc đúng ngành

Ảnh: Lena Granefelt/imagebank.sweden.se

Dưới đây là những bài học Kat tự học trên kinh nghiệm của Kat nên có thể không hoàn toàn đúng với tất cả các bạn. Đặc biệt, những bài học này tập trung vào việc: bạn là một người trẻ Việt Nam, có bằng cấp trên đại học, giao tiếp và làm việc được bằng tiếng Anh, tìm việc đúng ngành mình học tại Thụy Điển (chứ không phải chung chung là người nhập cư xin việc ở Châu Âu nhé!)


Bài học 1:

Bạn sẽ không bao giờ trở thành người Thụy Điển, nhưng đó có thể là một lợi thế để làm việc!

Mình nghe rất nhiều người khuyên: để tìm được việc ở Thụy Điển, hãy đổi họ Thụy Điển hay viết CV và cover letter bằng tiếng Thụy Điển để hồ sơ của mình được đi vào sâu. Thực sự, đúng là có một nghiên cứu của trường đại học Lund về việc các nhà tuyển dụng có xu hướng ”thiên vị” các ứng viên có họ Thụy Điển (Swedish study confirms foreign name CV bias) và đương nhiên, người tuyển dụng cũng sẽ đọc các hồ sơ viết bằng tiếng Thụy Điển trước vì việc đó dễ dàng hơn với họ.


Tuy nhiên, mình đã không làm theo cả 2 lời khuyên này. Có lần, mình cố sống cố chết ứng tuyển cho vị trí Media Relations Manager mà JD viết bằng tiếng Thụy Điển. Mình được gọi đến phỏng vấn. Người phỏng vấn tới và chỉ hỏi mình 1 câu:

– Bạn đợi lâu chưa? – ồ, mới 5 phút thôi, mình trả lời

Vâng đúng 1 câu ”ồ mới 5 phút thôi” mà chị ấy mỉm cười nói ”Trình độ tiếng Thụy Điển của bạn chưa đủ để làm công việc này. Cảm ơn bạn!”


Vậy đấy, đó là cuộc phỏng vấn ngắn nhất đời mình nhưng cũng dạy mình một bài học lớn nhất sau này cho mình trong sự nghiệp: ”Mình sẽ không bao giờ trở thành người Thụy Điển được. Đừng cố!”

Kat nhận ra mình sẽ không bao giờ nói tiếng Thụy Điển (thậm chí tiếng Anh) hay và chuẩn như người Thụy Điển, mình không có mạng lưới bạn bè gia đình ở Thụy Điển, mình không có hiểu biết văn hóa Thụy Điển sâu rộng như họ… Nói ra bạn có thể không tin, Kat phải trả tiền lãi xuất vay ngân hàng mua nhà cao hơn một bạn Thụy Điển cùng tuổi, cùng mức lương vì bạn ấy có bố mẹ là khách hàng lâu năm của ngân hàng ấy. Đời không phải lúc nào cũng công bằng, nhưng mình chấp nhận ở đây, là chấp nhận cuộc chơi không cân sức ấy.


Nhưng bài học này không có nghĩa là mình bỏ cuộc. Ngược lại, mình phải nghĩ ra điều gì mình có mà các bạn Thụy Điển không có. Trong kinh doanh gọi là “unique selling point”. Vậy Kat có gì?


Bài học 2

Hãy giữ tinh thần lạc quan khi tìm việc cũng như làm việc

Mình nhận ra một unique selling point của mình và các bạn châu Á nói chung là tinh thần lạc quan. Lạc quan ở đây không chỉ là việc bạn mỉm cười. Tất nhiên, điều này cũng vô cùng quan trọng, bởi ai cũng muốn thuê vào team mình một người hạnh phúc. Nhưng yếu tố chiến lược ở đây là tinh thần làm được.


Người Thụy Điển rất cẩn trọng, họ tuyệt đối sợ over-promise, làm người đối diện mong đợi quá nhiều mà không thực hiện được. Họ cố gắng hạ mong đợi của người đối diện (keep the expectation low). Chính vì thế, bạn có cơ hội để khác họ. Bạn có niềm tin cái gì cũng làm được chỉ cần mình có thời gian học, tìm hiểu và cái gì hay cũng xứng đáng để bạn thử một lần trước khi phủ định tính khả thi của nó. Thế nên trong một cuộc họp ở công ty mình, các bạn Thụy Điển sẽ nói “Khó đấy, không biết có làm được không?”, mình sẽ nói “Khó đây, chúng ta thử xem!”


Và bạn biết không, khi bạn mang tinh thần ấy để động viên mọi người quanh bạn, chính họ sẽ làm được, dù có thể mình bạn không thể làm được.


Nhưng làm thế nào để không trở thành những người over-promise mà các bạn Thụy Điển rất sợ. Biên giới giữa lạc quan và over-promise rất mong manh nhưng bí quyết giữ giới hạn này thực ra rất đơn giản: 1. Hãy nói “có thể THỬ” thay vì nói “có thể LÀM”; 2. Hãy nói “CHÚNG TA sẽ thử” thay vì “TÔI sẽ thử”.


Bài học 3

Mình linh hoạt và không bao giờ ngừng tìm kiếm sự thay đổi trong công việc

Người Thụy Điển tôn sùng sự bền vững. Bền vững ở đây cả sustainable lẫn stable. Cả hai đều tốt và có cả điểm không tốt: ấy là sự thiếu linh hoạt. Họ không muốn thay đổi quy trình, linh hoạt hay tạo tiền lệ. Trong bối cảnh chung, tư duy này rất rất tốt nhưng với từng cá nhân, đôi khi họ thiếu sự linh hoạt và trở nên cứng nhắc. Và đôi khi, họ sẽ vận động chậm, thậm chí khó chịu trước sự thay đổi của tình hình. Và Kat, một đứa sinh ra giữa Hà Nội hơn 7 triệu dân, mọi thứ đều hỗn loạn, bon chen, không đúng hẹn, được đào tạo trở thành một người linh hoạt.


Kat đã từng làm việc một team 3 người: 1 sếp, 1 đồng sự người Thụy Điển điển hình (tạm gọi bạn này là Anna). Anna làm gì cũng vô cùng chỉn chu, cẩn thận. Sếp giao gì cho Anna thì khỏi lo nhưng một page của web, bạn ý có thể làm trong 3 tuần. Mỗi khi có bug hay update xảy ra là bạn ý bị căng thẳng. Còn Kat trong 3 tuần, làm khoảng 20 page và mỗi lần bug xảy ra là Kat bỏ đi làm cái khác. Anna chỉ bắt đầu làm khi platform và tài liệu đầy đủ trên bàn còn Kat làm ngay khi Kat có thời gian, hỏng lại sửa, có tài liệu thêm thì lại cho thêm sau. Anna quyết định hôm nay tập trung làm web thì cả ngày không làm gì khác; còn Kat, lúc làm web, có cái gì phát sinh thì lại quay sang giải quyết cái đó trước.


Tất nhiên, cả hai đều có điểm cộng điểm trừ nhưng là một người sếp, bạn sẽ muốn có cả 2 màu sắc này trong đội mình. Một khi bạn đã có Anna thì bạn cần Kat mà Anna ở Thụy Điển thì không hiếm.

Ngoài ra, Anna rất ít khi chuyển việc hay hào hứng nhận dự án mới vì việc đó sẽ thay đổi quy trình mà Anna mất thời gian xây dựng thành hoàn hảo. Còn Kat luôn kiếm tìm dự án hay quy trình mới. Đây cũng trở thành unique selling point của Kat: luôn sẵn sàng cho sự thay đổi và cái mới.


Nhiều bạn thường bảo Kat: “Tháng 3 em/chị sẽ bắt đầu tìm việc”… Kat thì không thế, không một ngày nào Kat không vào LinkedIn hay đọc thư/tin nhắn từ các công ty tuyển dụng dù Kat mới nhận việc mới được vài tuần hay ngay cả khi Kat cực kỳ thích công việc hiện tại. Kat đôi khi gửi hồ sơ, coi như cũng là dịp để mình vuốt ve lại CV. Còn hồi không có việc thì Kat gửi hồ sơ không ngừng nghỉ. Có cô bạn thân của Kat còn khuyên nên làm một file excel quản lý lượng hồ sơ mình đã gửi đi vì số lượng hồ sơ lên tới cả trăm. Nhưng bạn nhớ nhé, bạn phải sửa CV và cover letter cho từng vị trí công việc. Đừng lười mà gửi hồ sơ chung cho tất cả các công việc.


Bài học 4

Không có cái gì từ trên trời rơi xuống, muốn nhận được việc, hãy cho đi trước!

Bạn có biết các công ty lớn muốn định hình vị thế đứng đầu của mình bằng cách nào hay họ nuôi dưỡng niềm tin của khách hàng như thế nào không? Họ cho đi kiến thức!


Whitepaper, ebook miễn phí giờ rất phổ biển, các công ty cho đi để sinh viên học, để khách hàng và công chúng tìm hiểu. Bằng cách cho đi kiến thức, bạn thể hiện bạn có kiến thức.


Kat đã làm việc tương tự để kiếm việc và cơ hội. Mình đã xin đi làm thực tập không lương, đây là cơ hội để mình – một đứa nước ngoài không có tiếng Thụy Điển bước được vào môi trường chuyên nghiệp và thể hiện 2 unique selling point trên của mình; mình xung phong đi thuyết trình miễn phí cho các trường cấp 3, đại học về trải nghiệm ở Thụy Điển, về truyền thông… để luyện tập và thể hiện được kiến thức và khả năng nói trước đám đông, mình viết bài và chia sẻ toàn bộ trên Facebook thế này để các bạn trước hết là biết đến mình…


Tất cả những lần cho đi như thế của mình, mình chả nhận được cái gì ngay (nhiều nhất là một hộp sô cô la Merci, mà đã sướng lắm ý hihi) nhưng sau đó, mình nhận được vô vàn điều. Và đây là 7 năm tìm việc của mình ở Thụy Điển:

  • 2011: Mình đến một hội chợ việc làm, đến gian của Atlas Copco xin thực tập. Chị trông gian hàng cho mình tên của chị A, phụ trách truyền thông.

  • 2012: Mình mang CV đến gặp chị A, xin được thực tập không lương, 6 tháng. Sau này chị A kể lại, chị ấy có nhiều hồ sơ xin thực tập nhưng các ứng viên ấy là người Thụy Điển nên được chính phủ trả tiền trong thời gian thực tập, chỉ có mình là người duy nhất xin thực tập dù chả có tiền gì.

  • 2013: Hết kỳ thực tập mà không được giữ lại, mình đến agency của chị B xin việc, chị B kể biết tên mình qua chị A. Câu chuyện của hai chị vu vơ rằng: ”Tôi có cô bé thực tập tôi rất thích mà tôi không được nhận làm chính thức vì không chỉ chỉ tiêu nhận người năm nay”. Chị B nhận mình vào agency dù trước buổi interview, chị đã định nói không vì team chị đã đủ người.

  • 2014: Agency của chị B phải ngừng hoạt động vì chị B bị ốm nặng. Chị B gọi điện cho anh C nhờ rằng: ”Tôi có con bé nhân viên là người nước ngoài, rất tốt nhưng nó sẽ gặp khó khăn nếu agency của tôi đóng cửa, anh xem có việc gì ở corporate của anh thì nhớ đến nó….” Anh C nhận lời nhưng lúc đó chả có việc gì trong tay.

  • Sau mình mới biết, khi mình apply vào corporate của anh C, anh ấy tự đến với người tuyển dụng và đưa reference cho mình dù anh ấy không tuyển hay interview mình.

  • 2016: Anh C chuyển lên Stockholm. Mình – một đứa luôn thích thay đổi, muốn lên Stockholm sống – vô tình apply đúng vị trí hợp đồng 12 tháng trong team anh C. Anh C hồ hởi interview và nhận.

  • 2017: Giữa kỳ nghỉ mùa Hè, anh C đôn đáo để lấy chữ ký sếp tổng, duyệt cho mình có hợp đồng chính thức không thời hạn ở Stockholm.

  • Vậy đấy, sau tất cả, mình nhận ra, mình cho đi, mình không nhận lại luôn nhưng bằng cách nào đó, khi nào đó, điều tốt đẹp sẽ trở lại với mình. Thế nên bạn đừng cân nhắc quá nhiều, đặc biệt khi còn trẻ. Lúc đó, càng cho nhiều, bạn sẽ càng có cơ hội được rèn luyện và nhận được lại sau này.

Nhưng ngoài ra, mình có những điều học được khi làm việc với các bạn Thụy Điển:

  • Minh bạch và thẳng thắn: đừng lươn lẹo, nói dối để giữ mặt hay giấu dốt. Mình sai, mình không biết, mình sẽ nói thế. Thậm chí giờ đi phỏng vấn, khi được hỏi “Bạn sẽ làm gì trong 3 tháng đầu nếu nhận được công việc này?” Mình sẽ nói rất Thụy Điển: “Tôi học hỏi!”

  • Lắng nghe! Người ta thường nói: khi bạn nói, bạn lặp lại điều bạn đã biết, khi bạn lắng nghe, bạn học thêm điều mới mà! Trong buổi họp, hãy lắng nghe người Thụy Điển nói. Họ không nói nhiều nhưng những điều họ nói thường rất có giá trị.

  • Công việc quan trọng nhưng không phải tất cả! Cuộc sống mới là tất cả. Thế nên 6h rồi, tắt máy và về nhà thôi!

Kat chúc các bạn chọn ở lại Thụy Điển một tương lai tốt đẹp và tìm được công việc yêu thích!

Yêu thương


Tác giả: Travelling Kat

"Bài viết được chia sẻ lần đầu vào tháng 02/2020 tại trang blog của tác giả www.travellingkat.com . Các bạn quan tâm các kinh nghiệm về LinkedIn, viết Cover letter hay CV, có thể tham khảo các bài viết liên quan bên dưới. " (ChiaseLund)


Các bài viết liên quan

*** Nếu bạn thấy bài viết có ích, cho chúng mình 1 Like (trái tim) và đăng ký để được giới thiệu những bài viết mới nhất của nhóm nhé.

*** Các bạn có thể tham khảo và chia sẻ lại bài viết và xin ghi rõ nguồn gốc cũng như tôn trọng quyền tác giả.

** * Bài viết thể hiện quan điểm và kinh nghiệm cá nhân của tác giả. Các ý kiến đóng góp các bạn có thể bình luận bên dưới hoặc liên hệ trang Fb của nhóm. Link





633 views

댓글 1개


fyhy2112
9월 16일

Hế lô chị Kat,


Em vừa sang Swe được 18 ngày.

Với em, mọi thứ ở đây còn rất mới lạ. Em bỡ ngỡ và tập thích nghi dần. Và hôm nay vô tình em đọc được bài viết này của chị, em như được tiếp thêm sức mạnh để tiến lên phía trước dù em đang thấy rất mơ hồ.

Em cám ơn chị đã "cho đi" thời gian quý báu của mình để chia sẻ và khích lệ tinh thần những người mới như em. Chị nhận lại "lời cảm ơn chân thành của em" ở đây nha. Hy vọng chị vui khi đọc được những dòng này của em.


Cám ơn chị Kat rất nhiều.


Em Ngọc😊

좋아요
bottom of page