top of page
Writer's picturechiaselund

Đổi bằng lái xe từ Nhật sang Thụy Điển

Các nước có thể đổi bằng lái xe sang bằng lái xe Thụy Điển mà không cần thi lại.

Thỏa thuận song phương về giấy phép lái xe (bilateral agreement) là một thỏa thuận chính thức giữa hai quốc gia công nhận giấy phép lái xe của nhau. Điều này có nghĩa là nếu bạn có bằng lái xe hợp lệ ở một quốc gia, bạn có thể chuyển giấy phép của mình sang quốc gia khác mà không cần phải thi lái xe. Cụ thể, nếu bạn có bằng lái xe hợp lệ của một trong các quốc gia có thỏa thuận song phương với Thụy Điển về giấy phép lái xe, thì bạn có thể chuyển bằng lái của mình sang bằng Thụy Điển mà không cần thi lái xe.

Đổi bằng lái xe

Những quốc gia này bao gồm:

  1. Các nước thuộc Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA)

  2. United Kingdom, the Faroe Islands, Switzerland và Japan

Điều quan trọng cần lưu ý là ngay cả khi có thỏa thuận song phương giữa hai quốc gia, vẫn có thể có các yêu cầu hoặc hạn chế bổ sung khi chuyển nhượng giấy phép lái xe. Tốt nhất bạn nên kiểm tra với các cơ quan có liên quan ở cả hai quốc gia để biết các yêu cầu và thủ tục cụ thể.


Việt Nam không có thỏa thuận này với Thụy Điển nên giấy phép lái xe từ Việt Nam được sử dụng trong vòng 1 năm và cần phải thi lấy bằng lái xe tại Thụy Điển sau thời gian 1 năm. Bài Các bước để lấy bằng lái xe Thụy Điển có thể giúp bạn chi tiết các bước để đăng ký từ kiểm tra mắt tới các kinh nghiệm thi nhé.


Kinh nghiệm đổi bằng lái xe từ Nhật sang Thụy Điển

Bài này chỉ nói về việc đổi bằng từ Nhật sang Thuỵ Điển, tuy nhiên khả năng cao là chuyển đổi qua các nước khác cũng tương tự.

Đổi bằng lái xe

Trang web Transport styrelsen - Cục cấp giấy phép lái xe tại Thụy Điển

Dưới đây mình sẽ nói về những thứ cần làm sau đó (theo cái nhìn cá nhân).

  • Đầu tiên là hỏi qua Google tiên sinh sau đó điện lên cục giao thông của nước sở tại hỏi lại về thủ tục cho chắc ăn.

  • Link Transport styrelsen

  • Đăng ký nhận đơn chuyển đổi và giấy khai báo sức khoẻ, cái này đăng ký online cũng được mà không hiểu sao web hay bị lỗi nên điện lên nhờ họ gửi trực tiếp đến nhà cho.

  • Liên hệ Đại sứ quán Nhật ở nước sở tại để xin giấy dịch bằng, cái này bắt buộc nên không thể tự dịch hoặc thuê trung tâm dịch (tất nhiên là phải nộp một số giấy tờ theo yêu cầu của ĐSQ qua đường bưu điện nếu ở xa, thông tin có trên web của ĐSQ).

  • Trong lúc chờ bản dịch bằng thì đi khám mắt ở một tiệm mắt kính nào đó gần nhà mà họ có dịch vụ khám mắt cho việc học bằng lái.

  • Đến ngày đi lấy giấy dịch bằng, cái này bắt buộc phải tự đi lấy hoặc uỷ quyền cho ai đó đi.

Nhà mà ở xa ĐSQ thì đi lại hơi bị tốn kém (kiểu như ở Quảng Nam mà phải đi Hà Nội). Nhân tiện kể thêm đoạn tào lao bí đao, sau mấy tháng không có dịp xài tiếng Nhật, hôm đó gặp chị nhân viên ở ĐSQ, hai chị em nói thôi là nói (dù thời gian gặp có hạn để chị còn đi tiếp người khác =)) ). Thông qua chị đó mình cũng biết được thông tin về cộng đồng người Nhật ở gần nhà trọ.

  • Đầy đủ giấy tờ rồi thì bỏ bì thư gửi lên cục giao thông, sau tầm 4 tuần sẽ có kết quả phê duyệt và yêu cầu đi chụp ảnh gửi về nhà.

  • Kiếm chi nhánh nào của cục giao thông ở gần nhà mà có hỗ trợ việc chụp ảnh thì đến đó. Chụp xong ít ngày sau thì bằng được gửi về bưu điện gần nhà, chỉ việc cầm thẻ ID ra lấy về.

  • Chưa hết, bằng gốc được cục giao thông trả ngược về ĐSQ chứ không trả về cho cá nhân, sau đó ĐSQ sẽ liên hệ trả lại sau (có lẽ việc làm này là để chống giấy tờ giả).

  • Từ ngày bắt đầu chuẩn bị giấy tờ cho đến ngày bằng gốc trở về tay mất gần 2 tháng.

Tham khảo các câu hỏi và bộ đề luyện thi lý thuyết miễn phí tại link ChiaseLund/Ly thuyet lai xe 

Sự khác biệt giữa lái xe tại Nhật và Thụy Điển

Mỗi nước có một hiện trạng giao thông cũng như phong cách lái xe khác nhau (hay còn gọi là văn hoá giao thông khác nhau). Nhìn chung, Nhật là một nước đất chật người đông (gần 125 triệu người/ 378 ngàn km2, nhưng diện tích sống được nghe nói đâu đó chỉ có 17%) còn Thuỵ Điển lại đất rộng người thưa (hơn 10 triệu người/ 447 ngàn km2). Vì vậy, phần lớn đường ở Nhật khá hẹp, xe nhiều và đèn giao thông cũng nhiều, không thấy bùng binh (roundabout) là mấy. Còn TĐ thì ngược lại, mấy hôm nay có một chú đồng nghiệp bên Yokohama qua công tác, mình có ngồi với chú ấy một đoạn từ công ty về khách sạn, trao đổi qua qua thấy chú ấy cũng nhìn nhận như vậy. Hơn nữa, hai nước chạy xe hai bên ngược nhau, TĐ chạy xe bên phải như quê ta còn Nhật chạy bên trái (không hiểu vì sao họ lại chấp nhận bằng của nhau? Mà thôi đó là chuyện của hai chính phủ, kệ đi). Vì vậy, sau khi đổi bằng xong phải tập lái. Lướt lướt qua mấy trang web thì thấy có khuyến cáo như: đến trường dạy lái để học phụ đạo ít buổi hoặc nhờ người bản địa, người quen nào đó đã từng có kinh nghiệm chạy xe ở nước sở tại truyền lại cho ít bí kíp. Còn lý thuyết thì lên mạng tìm đọc trong lúc chờ đổi bằng để nắm thêm. Rồi sau đó thì ngày ngày vừa học vừa chạy, vừa chạy vừa học, từ đường làng cho đến đường phố, từ chạy chậm cho đến chạy nhanh. Ai kĩ năng tốt thì tiến bộ nhanh, ai bình thường thì cứ từ từ học, không có gì phải vội.


Có vài điều lưu ý như này:

- Tay lái ngược nhau nên ban đầu hơi ngáo xí, cứ mang xe vô bãi đất trống tập vài vòng rồi cũng quen nhanh thôi.

- Chạy qua bùng binh là điều không phổ biến ở Nhật nên phải chịu khó tìm hiểu trước khi chạy vào. Có hôm xe đông quá nên chạy vô không được hợp lý cho lắm làm cho xe sau bị cản, nó bíp còi (bên đây mình thấy họ bíp còi là họ đang chửi mình đấy =)) dịch ra tiếng Việt mình là kiểu như: ĐCM cái thằng này! )

- Cao tốc bên Nhật có phí nên cả quá trình học chỉ được chạy đúng một lần rồi thôi. Lấy bằng rồi cũng không lên đó lần nào luôn vì đi lên đó tốn tiền, lấy tiền đó đi tàu trớt cho khoẻ, khỏi phải lo chuyện đỗ xe ở đâu. Còn TĐ thì cao tốc không tốn phí (thực ra đóng thuế sml rồi) nên bên này đi đâu họ cũng mặc định đi cao tốc.

đổi bằng lái xe

Mình khá ấn tượng với biển báo như trong hình, kiểu như: đoạn đường này có mồi,

anh em chuẩn bị bia rượu đi là vừa =))


Tóm lại đổi được bằng mà không phải đi học đi thi thì rất chi là tiện, tuy nhiên học bằng ở đâu chạy ở đó là hợp lý nhất.


02/2023

Tác giả: Nguyễn Hữu Việt

Các bài viết liên quan

*** Nếu bạn thấy bài viết có ích, cho chúng mình 1 Like (trái tim) và đăng ký để được giới thiệu những bài viết mới nhất của nhóm nhé.

*** Các bạn có thể tham khảo và chia sẻ lại bài viết và xin ghi rõ nguồn gốc cũng như tôn trọng quyền tác giả

** * Bài viết thể hiện quan điểm và kinh nghiệm cá nhân của tác giả. Các ý kiến đóng góp các bạn có thể bình luận bên dưới hoặc liên hệ trang Fb của nhóm. Link

455 views

Commenti


bottom of page