top of page
Writer's picturechiaselund

Các kiểu lừa đảo đổi tiền tinh vi ở Thụy Điển

Rất nhiều người ở Thụy Điển, vì muốn chuyển tiền cho người thân ở Việt Nam, đã rơi vào bẫy của những kẻ lừa và mất đi những số tiền mà đã vất vả có được từ vài ngàn đến chục ngàn krona mà không biết làm thế nào để đòi lại. Những kẻ lừa đảo có nhiều cách thức hoạt động từ đơn giản đến rất tinh vi, có những kẻ thách thức cả những người khác báo cảnh sát, thậm chí tỏ ra khinh thường và cho rằng không thể bị truy cứu.


Ở bài viết này, mình tổng hợp những trường hợp đã được cảnh báo khắp nơi trên các cộng đồng khác nhau để mọi người có được những kinh nghiệm hoặc sự chuẩn bị tốt hơn cho bản thân khi không may gặp những kẻ lừa đảo này.

Các kiểu lừa

1. Vì sao những kẻ lừa đảo này xuất hiện nhiều như vậy?

Lý do cơ bản là nhu cầu chuyển tiền từ nước ngoài nói chung và Thụy Điển nói riêng về người nhà, gia đình ở Việt Nam là khá lớn (và cả nhu cầu đổi tiền sang tiền Thụy Điển khi ra nước ngoài làm việc, định cư theo chiều ngược lại). Có nhiều cách để chuyển tiền về Việt Nam như chuyển qua tài khoản ngân hàng, qua các dịch vụ, ứng dụng chuyển tiền và đổi tiền trực tiếp giữa các cá nhân với nhau.


* Chuyển tiền trực tiếp từ tài khoản ngân hàng cần các thông tin đăng ký rõ ràng của người gửi và người nhận, thời gian chờ nhận lâu (tầm 1-2 ngày do chuyển tiền quốc tế tùy ngân hàng), và tỷ giá cao do ngân hàng quy định, ngoài ra có thể bị hạn chế về lượng tiền giao dịch.


* Chuyển tiền qua các công ty chuyển tiền như Remitly, Wise, WesternUnion, XE, ... Đây là những công ty chuyển tiền mở ra có đăng ký kinh doanh, có mã số thuế, địa chỉ, có người tư vấn, giải quyết các vấn đề. Khi chuyển tiền bạn cũng cần đăng ký rõ ràng các thông tin của người gửi và người nhận. Những lợi ích nổi bật là thời gian nhận được tiền nhanh (một số dịch vụ chỉ tầm 30 phút hoặc nhanh hơn), tỷ giá và phí dịch vụ được thông báo trước rõ ràng. Bên cạnh lợi ích thì hạn chế lớn là phí dịch vụ cao, và hạn chế của lượng tiền, hoặc số lần có thể giao dịch (tùy vào quy định cụ thể của từng công ty).


* Chuyển tiền bằng cách đổi trực tiếp giữa các cá nhân với nhau. Điểm lợi lớn nhất là không trả phí, hai bên có thể thống nhất tỷ giá (thường là tỷ giá trung bình của giá mua và giá bán theo tỷ giá của Vietcombank). Nếu so sánh với việc chuyển tiền qua các công ty thì số tiền tiết kiệm được sẽ khá lớn khi bạn cần chuyển nhiều.


Bạn có thể xem ví dụ cụ thể như hình 1.

Hình 1 / Tra cứu tỷ giá đổi tiền với 10.000kr. Tra cứu tại link


Khi bạn đổi 10.000kr theo tỷ giá trung bình VCB, số tiền nhận được dự kiến là 21 646 850 đồng. Nếu đổi qua Remitly và Wise, số tiền bạn thực sự nhận sau trả phí dịch vụ là 21 476 767 đồng và 21 655 500 đồng. Đơn giản là bạn sẽ mất 170k hoặc 316k tiền phí khi chuyển 10.000kr. Số tiền phí này sẽ tăng lên đáng kể khi bạn muốn đổi 50.000kr (như hình 2), số tiền phí là 548k và 1,5tr đồng.

Hình 2 / Tra cứu tỷ giá đổi tiền với 50.000kr. Tra cứu tại link


Các bạn có thể tự kiểm tra số tiền thực nhận qua công cụ tính nhanh của ChiaseLund tại link https://www.chiaselund.com/ty-gia-doi-tien. Tỷ giá được cập nhật liên tục theo sự thay đổi của các công ty.


Điểm lợi thứ hai của chuyển tiền giữa các cá nhân là bạn không bị hạn chế về số lần hoặc số tiền giao dịch (nếu dùng tiền mặt). Đối với việc chuyển khoản giữa các tài khoản ngân hàng Thụy Điển có một mức trần được chính phủ quy định (tầm 100.000kr/lần giao dịch), ngân hàng sẽ phải báo cáo giao dịch này tới sở Thuế (Skatteverket.se). Bạn có thể chia nhỏ số tiền để giao dịch nhiều lần.


Với việc tiết kiệm được số tiền tốt hơn so với các phương phát chuyển tiền khác thì nhu cầu tìm người trao đổi tiền giữa các cá nhân trong cộng đồng rất nhiều. Một trong những nơi thu hút một lượng lớn những kẻ lừa đảo hoạt động tích cực và thường xuyên có các hình thức lừa đảo mới. Một vấn đề khác cũng về vấn đề lừa đảo là việc tìm thuê nhà. Bạn quan tâm có thể đọc bài Tìm nhà: Kinh nghiệm để tránh bị lừa đảo


2. Những hình thức lừa đảo

Trao đổi tiền qua mạng, chỉ nhắn tin.

Hình thức lừa đảo khá phổ biến là dùng một nick Fb giả đăng tìm người đổi tiền, hoặc nhắn tin cho những người có nhu cầu đổi tiền trên các cộng đồng. Mọi trao đổi đều qua tin nhắn hoặc gọi thoại qua mạng xã hội.

Một số đặc điểm chung

  • Sử dụng nhiều tài khoản giả. Sử dụng hình ảnh và tên của người khác để thực hiện lừa đảo. Không xuất hiện online thường xuyên, chỉ khi có người cần đổi tiền.

  • Không gặp mặt trực tiếp, không gọi Video Call để nhìn thấy mặt.

  • Tuyên bố số điện thoại nhưng không bao giờ nghe máy.

  • Luôn muốn giao dịch vào cuối tuần hoặc vào thời gian tối muộn, để làm cho người đổi tiền nghĩ rằng việc nhận tiền bị chậm trễ do sự cố mạng.

  • Thường gửi hình ảnh chứng minh là đã thực hiện giao dịch chuyển tiền trước (dùng Photoshop để làm giả các giấy tờ chuyển tiền), và yêu cầu người đổi tiền chuyển tiền ngay.


Trao đổi tiền qua mạng, nhắn tin gọi Video call.

Để tránh việc bị lừa, đa số mọi người đều đã cảnh giác với các tin nhắn từ các tài khoản lạ, yêu cầu gọi điện trực tiếp. Nhưng cùng với sự phát triển của công nghệ thì việc lừa đảo càng ngày càng tinh vi hơn. Với những công nghệ mới như deepfake, kẻ lừa đảo có thể dùng những nick giả từ những người bạn quen biết, đồng ý thực hiện các cuộc gọi để nghe giọng nói và hình ảnh đã được làm giả, mô phỏng lại người mà bạn quen.

Hiện tại thì những người bị lừa tiền đa phần là những người lớn tuổi, khả năng nghe nhìn giảm nên không phân biệt được nhanh các đối tượng lừa đảo hay người quen. Nhưng với sự cải tiến nhanh chóng, những công nghệ lừa đảo mới này có thể sẽ gây ra những khó khăn lớn hơn cho cả những người trẻ tuổi.


Bạn quan tâm có thể đọc thêm bài phóng sự tại Vtv Cảnh báo hình thức lừa đảo bằng Deepfake để giả giọng, mặt người thân


Trao đổi tiền trực tiếp.

Một cách lừa đảo tinh vi khác là kẻ lừa đảo muốn đổi tiền mặt trực tiếp (đưa tiền mặt ở cả VN hoặc Thụy Điển, hoặc đưa tiền mặt và nhận chuyển khoản). Trong suốt quá trình trao đổi các tin nhắn, nói chuyện, gặp mặt trao đổi tiền diễn ra như bình thường và bạn chỉ nhận ra vấn đề khi dùng số tiền mà mình đổi được. Tiền giả!


Một số chiêu thức thường được nhóm lừa đảo này sử dụng bao gồm:

  • Sử dụng nhiều tài khoản giả mạo để thực hiện giao dịch.

  • Tuyên bố số điện thoại nhưng không bao giờ nghe máy, chỉ trao đổi qua các tài khoản mạng FB, mạng XH.

  • Thường thực hiện giao dịch chuyển tiền qua lại một cách lộn xộn, qua nhiều người trung gian, khiến người bị lừa bị nhầm lẫn, mất dấu vết.


3. Một số cách giảm rủi ro

  • Không giao dịch với người lạ, nên thông qua người quen hoặc được giới thiệu.

  • Kiểm tra tài khoản nick ảo hay nick thật (nick ảo thì bọn lừa đảo không bao giờ dám bật hình vì không đúng với hình đại diện, và có lượng like cao thấp bất bình thường)

  • Cảnh giác với các yêu cầu chuyển tiền vào buổi tối, đặc biệt vào cuối tuần.

  • Yêu cầu có tên, địa chỉ và số điện thoại để kiểm tra trên các trang như hitta.se và eniro.se (tất cả ai sống tai TĐ cũng có số điện thoại và địa chi để liên lạc)

  • Nếu đổi tiền qua SWISH, kiểm tra tên bằng cách mở Swish xem có đăng ký tên không.

  • Cần cẩn thận với các trường hợp gọi không được do mất kết nối, mạng chập chờn, không nghe rõ, không nhìn rõ mặt. Đây đã là những hình thức được dùng để lừa đảo và đã được cảnh báo nhiều nơi.

  • Nếu cẩn thận thì bạn nên gọi trước mỗi lần giao dịch, dù đã biết rõ người giao dịch, số tài khoản cần chuyển hay số điện thoại.

  • Đối với các số tài khoản mới chuyển lần đầu, bạn nên chuyển thử trước 1 số tiền nhỏ (ví dụ 5 hoặc 10 SEK. 10k hoặc 20k vnd). Lời khuyên là bạn cần xác nhận số tiền đã được nhận và thời gian chờ để nhận tiền.

  • Khi cần chuyển với số tiền lớn, bạn có thể chia nhỏ ra để thực hiện. Tuy sẽ tốn nhiều công sức và thời gian nhưng có thể giảm vài phần rủi ro nếu có sự cố xảy ra.

Mong nhận được các kinh nghiệm khác của mọi người để các thông tin cung cấp được đầy đủ hơn.


Tác giả: ChiaseLund

Các bài viết liên quan

721 views

Comments


bottom of page