top of page
Writer's pictureNhật Hoàn

5 điều cần làm ngay khi có Personal Number

Ở bài viết trước, mình đã chia sẻ với các bạn 8 điều chúng ta cần làm ngay khi đến Lund. Có những việc khác mà chúng ta cần làm, tuy nhiên những việc đó đều cần bạn phải có Personal Number (PN) hoặc BankID nên mình không liệt kê ở bài đó. Trong bài viết này, mình sẽ liệt kê các đầu việc quan trọng không kém bạn cần làm ngay khi có PN nhé.

5 điều cần làm ngay khi có Personal Number

1. Đặt lịch và làm ID card

Ở Thuỵ Điển, mọi thứ đều phải chờ đợi và chờ đợi theo trình tự. Sau khi bạn có PN thì bạn mới có thể làm ID card. PN không có ngày hẹn cố định, có người nhận được sau hơn 1 tuần nhưng cũng có người mất cả 3 tháng thế nên bạn cũng không biết chắc được mình thuộc khoảng thời gian nào để book lịch làm ID card. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều bậc tiền bối đi trước thì chúng ta cứ book khoảng 2 - 3 tuần từ ngày làm PN, vì nếu đến sát ngày hẹn vẫn chưa có số PN, mình hoàn toàn có thể cancel và book lại vào ngày khác trên hệ thống. Nếu bạn không kịp book những ngày gần vì đã hết chỗ (slot) thì hãy kiên trì vào check mỗi ngày xem có ai cancel không hoặc nơi làm ID card có mở thêm cơ sở khác hoặc mở thêm nhiều slot hơn không. Đợt mình làm ID card cũng phải book lịch sau tận hơn 1 tháng, nhưng tình cờ có hôm mở website ra thấy có thêm một cơ sở nữa ở Malmo cũng làm ID card và hầu như còn trống rất nhiều nên mình cancel lịch cũ để book lại và được đi làm nhanh hơn. Còn một chị bạn khác của mình thì do chăm chỉ, ngày nào cũng vào soi website nên book được 1 slot vào thứ 2 tuần tiếp theo (do có người khác cancel) khi vừa có PN vào thứ 6.


Nộp lệ phí 400kr xong xuôi là mình yên tâm lên đường (link kiểm tra phí). Đi làm ID card thì bạn chỉ cần mang hộ chiếu và PN thôi, đồng thời phải đảm bảo là đã thanh toán phí làm ID card. Dù mình có lịch hẹn nhưng đến đó vẫn phải lấy số chờ đợi bình thường nhé nên bạn nào rảnh thì cứ đến sớm hơn lịch hẹn 1 chút. Bọn mình sẽ được hỏi các thông tin cơ bản, chụp ảnh, đo chiều cao, lấy chữ kí và cầm giấy hẹn đi về thôi. Khi nào có ID card, họ sẽ nhắn tin cho mình đến lấy. Thời gian làm xong ID card cũng không cố định, tối thiểu 2 tuần và có thể kéo dài đến 1 tháng. Thế nên ở đất nước này, mình không dự đoán được thời gian hành chính chính xác đâu, lúc nào cũng phải bật bài “Đợi chờ là hạnh phúc” =)).

Hình ảnh thẻ ID card (từ Skatteverket).

Các bạn có thể xem và in ra bản danh sách các việc cần làm tại bài viết Checklist việc cần làm khi mới đến Thụy Điển


2. Làm thẻ ngân hàng, bankID, và SWISH

Sau khi có ID card rồi thì bạn có thể làm thẻ ngân hàng và bankID. Ba ngân hàng lớn nhất của Thuỵ Điển là Swedbank, Handelsbanken, và SEB. Mình thấy nếu là khách hàng cá nhân, mở thẻ bình thường thôi thì cũng không có khác biệt nhiều. Mình làm ở Handelsbanken vì không cần book lịch trước, chỉ cần đến lấy số và làm việc là được. Bạn phải trả phí thẻ hàng năm, mình không nhớ rõ con số chính xác nhưng khoảng 300kr/năm, có thể tuỳ theo ngân hàng nữa. SEB nghe theo lời kể của một số người đã trải nghiệm thì không drop in được như vậy nên mình cũng không thử. Các bạn nào có kinh nghiệm thêm có thể comment ở dưới để chúng ta cùng biết thêm nhé. Ngân hàng ở đây giờ làm việc hạn chế vô cùng, 10h sáng mở cửa nhưng 3 giờ chiều đã đóng rồi =)). Đương nhiên cuối tuần đóng cửa. Thế nên kiểu gì bạn cũng phải tranh thủ giờ đi làm để qua ngân hàng làm thẻ chứ không ung dung chiều muộn ghé về tranh thủ được. “Ở đây chúng tôi không có khái niệm “tranh thủ" :v”. Một kinh nghiệm nhỏ là các bạn có thể ra làm việc với ngân hàng vào buổi trưa vì họ không nghỉ trưa.


Khoảng 1 tuần sau khi mở tài khoản thì mình có thẻ và bankID gửi về địa chỉ nhà. Chỉ cần làm theo hướng dẫn trong thư, kích hoạt BankID là xong nhiệm vụ. Có BankID rồi, bạn có thể cài và sử dụng SWISH, một app quốc dân mà ai cũng có, người người, nhà nhà dùng SWISH. Đi chợ SWISH, đi mua đồ cũ SWISH, đi ăn SWISH, đi IKEA SWISH,… nếu bạn không có thẻ và tiền mặt thì SWISH trong điện thoại giúp bạn thanh toán. Xong combo thẻ ngân hàng, bankID và SWISH là bạn chính thức có đủ công cụ để hòa nhập vào cuộc sống nơi đây rồi.


3. Đăng kí các hệ thống thuê nhà

Hầu như nhà mà bọn mình thuê được lúc đầu đều là nhà kiểu thuê để lấy chỗ ở tạm thời, bây giờ là lúc chúng ta tìm nhà ở lâu dài. Muốn thuê nhà ở các hệ thống cho thuê nhà, bạn đều cần BankID và phải xếp hàng tính điểm hết. Thế nên bạn xếp càng càng sớm, càng có lợi khi gặp một căn nhà ưng ý. Chi tiết về các trang thuê nhà, các bạn có thể xem ở đây nhé.



4. Đặt lịch khám bệnh

Có PN rồi thì bạn mới được khám chữa bệnh với chi phí được hỗ trợ. Nếu bạn có các vấn đề về sức khỏe từ trước khi sang thì nên đặt lịch khám càng sớm càng tốt. Ở đây bạn không tự chạy lên thẳng bệnh viện tuyến cuối để khám nhoằng một cái được, Mọi thứ đều phải qua Vårdcentral (là cơ sở khám bệnh ban đầu của bạn). Vårdcentral của bạn là cái nào thì sẽ có thư gửi về cho bạn thông báo về Vårdcentral của bạn ngay sau khi bạn có PN. Thường thì Vårdcentral đầu tiên người ta chọn sẵn cho bạn sẽ dựa trên khoảng cách địa lý gần với bạn nhất. Bạn hoàn toàn có thể thay đổi Vårdcentral của mình trên hệ thống 1177.se khi có BankID nhé.


Do văn hoá chờ đợi của Thuỵ Điển, đi khám bệnh cũng phải chờ nhé các bạn, thậm chí chờ rất lâu. Biết bao thế hệ người Việt và cả người Thuỵ Điển kêu gào về sự lâu la của hệ thống y tế rồi nên là biết thân biết phận, ta cứ book cho sớm. Bạn gọi điện đến Vårdcentral, trình bày tình hình bệnh tật của mình, càng thống thiết càng sớm được đi khám =)). Trên quan điểm cá nhân, mình cho rằng hệ thống y tế của Thuỵ Điển thực sự tệ, không đáp ứng đủ & kịp thời nhu cầu của người dân.


5. Đăng kí học tiếng Thụy Điển / SFI

Tất nhiên chúng ta vẫn sống tốt nếu chỉ nói Tiếng Anh vì mình đồng ý là người Thuỵ Điển nói Tiếng Anh khá tốt và Google dịch cũng đảm nhận được các tác vụ cơ bản. Tuy nhiên, nếu sống lâu ở xứ Bắc Âu này, chúng ta cũng nên học thêm một chút, bên cạnh HejTack. Các lớp SFI đều miễn phí cho người có PN nên là không tội gì không học qua để hòa nhập cả. Có điều, đăng ký SFI cũng phải chờ đợi để được xếp lớp nên bạn nên nhanh chân cho sớm chợ không lại dài cổ đợi chờ. Thời gian chờ để được xếp lớp cũng hên xui, có người vài tuần, có người vài tháng =)). Đơn vị toàn bằng tháng thôi nhỉ ;) Bạn có thể đăng kí học với Komvux hoặc Folkuniversitetet. Ở Lund thì các lớp SFI đều được đánh giá OK, bạn chọn học ở đâu cũng được. Mình chọn chỗ nào gần nhà, đi lại cho tiện, vì chương trình SFI là chung trên toàn Thuỵ Điển mà.


SFI có lựa chọn học offline tại lớp học và học online. Sau khi đăng ký, bạn sẽ có một buổi phỏng vấn với giáo viên để xếp lớp. Nói là phỏng vấn thôi chứ chỉ hỏi vài câu về quá trình đi học của mình chứ có hỏi tí tiếng Thuỵ Điển nào đâu vì hầu hết toàn con số 0 tròn trĩnh mà. Trong buổi này, giáo viên cũng sẽ hỏi bạn muốn học ở đâu và thời gian nào. Bạn chỉ cần nêu nguyện vọng của mình rồi….chờ đợi được gọi đi học thôi =)).


Cá nhân mình đã theo học SFI một thời gian rồi, mình khuyên các bạn nên tự học nhiều trước và trong quá trình học SFI, vì phương pháp dạy của SFI rất khác so với các trường học/trung tâm ngoại ngữ thông thường. Bạn sẽ được học rất ít lý thuyết, chủ yếu là thực hành, nên nếu bạn không chuẩn bị trước một chút thì sẽ không hiểu gì cả, và đương nhiên học không có tác dụng gì.


Đến đây là bạn đã chuẩn bị đủ cho một cuộc sống mới ở một đất nước mới rồi. Tranh thủ tiết trời thu mát mẻ, lượn phố xá Lund 1 vòng, uống cốc cà phê, ăn cái bánh quế, tận hưởng thành phố xinh đẹp và bình yên này nào.


08/2022 Tác giả: Nhật Hoàn

525 views

Комментарии


bottom of page