Điểm Tin Thứ 7
- Nhật Tâm
- 2 days ago
- 12 min read
Điểm Tin
Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc chính thức phế truất Tổng thống Yoon Suk Yeol
Ông Trump để ngỏ đàm phán về thuế nhưng chuẩn bị áp thuế lên chip và dược phẩm
EU công bố chiến lược an ninh nội khối mới, ưu tiên phòng ngừa rủi ro
Iran được cho là rút quân khỏi Yemen giữa lúc Mỹ tăng không kích Houthi
Tổng thống Trump sa thải loạt quan chức an ninh quốc gia giữa lo ngại rò rỉ thông tin
Ông Trump áp thuế cao bất ngờ lên cả đảo không người ở của Úc
Công viên ở Bangkok bị chỉ trích vì lắp gương hai chiều trong toilet nam
Hành khách cố mở cửa máy bay Jetstar, chuyến bay hơn 200 người phải quay đầu
Băng cướp tiệm vàng ở Mỹ bị bắt vì... khoe chiến tích trên mạng
CIA giải mật tài liệu nói đã tìm thấy Hòm Giao Ước – thánh tích Kitô giáo
Người Mỹ phản ứng ra sao với kế hoạch đánh thuế 180 đối tác của ông Trump?
Ván cược chính trị của ông Trump với chính sách thuế quan
Ukraine trước lựa chọn khó khăn: Mỹ hay EU?
Chi tiết các sự kiện được cập nhật bên dưới.

Nội Dung Chính
Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc chính thức phế truất Tổng thống Yoon Suk Yeol
Ngày 4.4, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã ra phán quyết giữ nguyên quyết định luận tội của Quốc hội đối với Tổng thống Yoon Suk Yeol, chính thức phế truất ông. Phán quyết có hiệu lực ngay lập tức và Hàn Quốc sẽ tổ chức bầu cử tổng thống mới trong vòng 60 ngày tới.
Tòa xác nhận quy trình luận tội là hợp lệ, tuy nhiên cho rằng việc ban bố thiết quân luật của ông Yoon không đáp ứng các yêu cầu pháp lý và vi phạm hiến pháp khi điều động quân đội đến Quốc hội. Ngoài ra, ông bị cho là đã xâm phạm quyền cơ bản của người dân và làm suy yếu tính độc lập của hệ thống tư pháp.
Thủ tướng Han Duck-soo sẽ giữ vai trò quyền tổng thống cho đến khi có người kế nhiệm.
Phiên tòa ngày 4.4 được thắt chặt an ninh nghiêm ngặt. Sau khi điều trần cuối cùng, tòa mất 38 ngày để đưa ra phán quyết – dài nhất trong lịch sử các vụ luận tội tổng thống tại Hàn Quốc.
Hiện tại, ông Yoon cũng đang đối mặt với một phiên tòa hình sự liên quan đến cáo buộc kích động nổi loạn. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Hàn Quốc ghi nhận phản ứng tích cực sau phán quyết, với chỉ số KOSPI tăng nhẹ và đồng won mạnh lên so với USD.
Ông Trump để ngỏ đàm phán về thuế nhưng chuẩn bị áp thuế lên chip và dược phẩm
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với các đối tác về thuế đối ứng, nhưng cũng khẳng định sẽ sớm áp thuế lên chất bán dẫn (chip) và dược phẩm – hai mặt hàng trước đó được loại trừ trong công bố ngày 2.4.
Phát biểu trên chuyên cơ Không lực Một ngày 3.4, ông Trump nói mức thuế lên chip sẽ được triển khai "rất sớm", trong khi thuế dược phẩm đang được xem xét và có thể đạt mức cao chưa từng thấy.
Dù sẵn sàng thương lượng nếu nhận được nhượng bộ "tốt", ông Trump vẫn giữ lập trường cứng rắn. Mức thuế quan 10% sẽ có hiệu lực từ ngày 5.4, và các mức cao hơn sẽ áp lên khoảng 60 nền kinh tế khác từ ngày 9.4.
Cố vấn cấp cao Peter Navarro nhấn mạnh thuế quan mới không phải là công cụ đàm phán mà là biện pháp ứng phó với "cuộc khủng hoảng quốc gia".
Bên cạnh đó, ông Trump cũng nhắc đến ứng dụng TikTok, cho rằng Trung Quốc có thể buộc phải bán TikTok cho Mỹ để tránh bị đánh thuế. Hạn chót cho thương vụ này là ngày 5.4, nếu không TikTok sẽ bị cấm tại Mỹ. Ông Trump cho biết thỏa thuận đang đến rất gần, dù hiện chưa có cuộc đàm phán nào diễn ra.
EU công bố chiến lược an ninh mới, ưu tiên phòng ngừa rủi ro
Chỉ ít lâu sau khi ra mắt chiến lược phòng thủ chung, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục công bố chiến lược an ninh nội khối mới, nhấn mạnh việc phòng ngừa từ bên trong để ứng phó với các nguy cơ an ninh hiện đại.
Chiến lược mới tập trung vào việc nhận diện sớm rủi ro, tránh tình trạng bị động khi nguy cơ đã hiện hữu. EU xác định cần đẩy mạnh trao đổi thông tin tình báo giữa các cơ quan tình báo và phản gián của các nước thành viên, cũng như xây dựng cơ chế phối hợp phân tích và dự báo rủi ro – đặc biệt với các mối đe dọa phi truyền thống.
Một điểm nhấn trong chiến lược lần này là việc cải tổ tổ chức cảnh sát chung Europol, nhằm nâng cao năng lực hành động chung của toàn khối.
Khác với chiến lược phòng thủ bên ngoài, chiến lược an ninh nội khối lần này được đánh giá là thực tiễn và dễ triển khai hơn, nhờ cách tiếp cận linh hoạt và các biện pháp cụ thể, phù hợp với nhu cầu cấp bách của các quốc gia thành viên.
Iran được cho là rút quân khỏi Yemen giữa lúc Mỹ tăng không kích Houthi
Theo báo The Telegraph (Anh), Iran đã ra lệnh cho các quân nhân nước này rút khỏi Yemen, đồng thời giảm hỗ trợ dành cho lực lượng Houthi. Động thái này được cho là để tránh leo thang xung đột khi Mỹ liên tục không kích khu vực.
Một quan chức cấp cao Iran (ẩn danh) tiết lộ rằng Tehran muốn tập trung ứng phó các đe dọa trực tiếp từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong bối cảnh ông Trump liên tục cảnh báo Iran và đẩy mạnh chiến dịch không kích tại Yemen từ giữa tháng 3.
Houthi tuyên bố đã tấn công tàu sân bay Mỹ USS Harry S. Truman và bắn rơi một máy bay không người lái MQ-9, tuy Mỹ chưa xác nhận. Trong khi đó, Houthi tố cáo Mỹ đã tiến hành hơn 30 cuộc không kích tại Yemen hôm 3.4, khiến ít nhất một người thiệt mạng, sau khi 5 người khác chết trong một đợt tấn công trước đó.
Tổng thống Trump tuyên bố sẽ tiếp tục hành động nếu Houthi không ngừng tấn công tại Biển Đỏ, đồng thời không loại trừ khả năng ném bom hoặc áp thuế thứ cấp nếu Iran tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân hay vũ trang cho các lực lượng ủy nhiệm.
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cho biết sẵn sàng đối thoại nhưng chỉ trích Mỹ thất hứa. Trong khi đó, Nga lên án các đe dọa quân sự nhằm vào Iran, cảnh báo có thể dẫn đến thảm họa toàn cầu không thể đảo ngược.
Tổng thống Trump sa thải loạt quan chức an ninh quốc gia giữa lo ngại rò rỉ thông tin
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã sa thải 6 quan chức thuộc Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) của Nhà Trắng, trong đó có 3 cố vấn cấp cao về chính sách đối ngoại, theo The New York Times ngày 4.4.
Vụ việc diễn ra sau cuộc gặp của ông Trump với Laura Loomer – người ủng hộ trung thành và thường chia sẻ các thuyết âm mưu. Sau đó, bà Loomer cho biết đã trình bày một số “nghiên cứu đối lập” với tổng thống, song ông Trump phủ nhận việc bà có liên quan trực tiếp đến quyết định sa thải.
Danh sách các quan chức bị sa thải bao gồm: David Feith (giám đốc an ninh quốc gia và công nghệ), Brian Walsh (giám đốc tình báo), Thomas Boodry (giám sát mảng lập pháp) và Maggie Dougherty (giám sát tổ chức quốc tế). Một số nguồn tin cho biết lý do sa thải bao gồm lo ngại rò rỉ thông tin và lập trường chính sách can thiệp vượt ngoài mong muốn của các cố vấn thân cận ông Trump.
Trước đó, NSC bị chỉ trích vì vụ việc nhà báo Jeffrey Goldberg được vô tình thêm vào nhóm trao đổi trên Signal về chiến dịch không kích Yemen. Mặc dù cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz đã nhận trách nhiệm, bà Loomer vẫn công khai công kích quan chức Alex Wong – người được cho là có liên quan đến vụ việc.
Tổng thống Trump khẳng định việc thay đổi nhân sự là điều bình thường và nhằm loại bỏ “những người không phù hợp hoặc không đủ trung thành”.
Ông Trump áp thuế cao bất ngờ lên cả đảo không người ở của Úc
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố thuế đối ứng lên toàn bộ đối tác thương mại, trong đó gây bất ngờ khi áp mức thuế 29% lên đảo Norfolk – một lãnh thổ hẻo lánh của Úc, và 10% lên các đảo không người ở như Heard và quần đảo McDonald gần Nam Cực.
Đảo Norfolk chỉ có khoảng 2.000 dân, chủ yếu sống bằng du lịch và trồng hạt cọ Kentia – mặt hàng xuất khẩu chưa đến 1 triệu USD/năm và chủ yếu sang châu Âu. Trong khi đó, các đảo Heard và McDonald hoàn toàn không có người ở.
Quyết định này được đưa ra ngày 2.4 nhưng Nhà Trắng không cung cấp lời giải thích, khiến nhiều người bối rối. Ông Richard Cottle, chủ một doanh nghiệp địa phương, cho rằng đây có thể là một "sai lầm kỹ thuật" vì Norfolk "không xuất khẩu gì sang Mỹ cả".
Thủ tướng Úc Anthony Albanese tỏ ra ngạc nhiên: “Tôi không nghĩ đảo Norfolk là đối thủ thương mại của Mỹ. Nhưng điều đó cho thấy không nơi nào trên thế giới miễn nhiễm khỏi chính sách thuế này”.
Dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy Norfolk từng xuất khẩu vài trăm nghìn USD sang Mỹ, nhưng nhập khẩu từ Mỹ vẫn chiếm ưu thế – đỉnh điểm là 11,7 triệu USD vào năm 2020.
Chủ một công ty tư vấn thuế địa phương, ông Gye Duncan, hài hước: “Thuế 29% lên sản phẩm từ Norfolk? Nhưng chúng tôi đâu có sản phẩm nào gửi đi đâu”.
Công viên ở Bangkok bị chỉ trích vì lắp gương hai chiều trong toilet nam
Một đoạn video gây bức xúc trên mạng xã hội cho thấy công viên giải trí Dream World ở Bangkok (Thái Lan) lắp gương hai chiều trong nhà vệ sinh nam, cho phép người bên trong nhìn thấy phụ nữ bên ngoài đang soi gương mà họ không hề hay biết.
Gương hai chiều thường được sử dụng trong các phòng thẩm vấn vì có thể nhìn xuyên một chiều từ phía tối hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp này, mặt sáng là khu vực công cộng bên ngoài toilet nơi nhiều phụ nữ chỉnh trang lại dung mạo.
Đoạn clip ghi lại cảnh hai người đàn ông trong toilet nam có thể thấy rõ phụ nữ đứng bên ngoài. Video đã thu hút hơn 13,4 triệu lượt xem và vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng mạng, cho rằng đây là hành vi vi phạm quyền riêng tư và "gớm ghiếc".
Ban điều hành công viên thừa nhận tấm gương được lắp từ năm 2019 và cho biết mục đích là để tạo trải nghiệm "hài hước", nhưng điều này đã gây phản tác dụng và làm dấy lên nhiều lo ngại đạo đức và pháp lý.
Hành khách cố mở cửa máy bay Jetstar, chuyến bay hơn 200 người phải quay đầu
Một nữ hành khách đã gây rối trên chuyến bay Jetstar JQ-34 từ Bali (Indonesia) đi Melbourne (Úc) vào tối 31.3 khi cố gắng mở cửa máy bay giữa không trung, buộc máy bay phải quay đầu trở lại điểm xuất phát.
Vụ việc xảy ra khi máy bay đang ở độ cao hơn 10.000 m và còn cách điểm đến khoảng 2 giờ. Hành khách này còn có hành vi lăng mạ phi hành đoàn, khiến chuyến bay rơi vào tình huống khẩn cấp.
Jetstar xác nhận đã hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Denpasar (Bali) và phối hợp với lực lượng chức năng để đưa người phụ nữ ra khỏi máy bay. Các hành khách khác sau đó được chuyển sang một chuyến bay thay thế.
Một hành khách mô tả đây là “cơn ác mộng” khi tận mắt chứng kiến nỗ lực mở cửa thoát hiểm giữa không trung. Theo chuyên gia hàng không, việc mở cửa máy bay ở độ cao như vậy là không thể do chênh lệch áp suất quá lớn.
Jetstar nhấn mạnh sự an toàn là ưu tiên hàng đầu và hành vi như vậy sẽ không bao giờ được dung thứ.
Băng cướp tiệm vàng ở Mỹ bị bắt vì... khoe chiến tích trên mạng
Một băng cướp gồm 3 tên đã bị kết án sau vụ cướp táo tợn tại một tiệm vàng ở Beverly Hills, bang California (Mỹ). Không chỉ gây án giữa ban ngày, các nghi phạm còn tự “lộ diện” khi đăng ảnh khoe tiền mặt và chữ “băng cướp” lên mạng xã hội.
Vụ cướp xảy ra năm 2022, nhóm này dùng búa tạ và xà beng phá cửa, lấy đi số trang sức trị giá khoảng 2,6 triệu USD. Trong lúc gây án, một nghi phạm làm rơi điện thoại di động tại hiện trường, giúp cảnh sát nhanh chóng lần ra dấu vết.
Chỉ hai ngày sau, Ladell Tharpe – một trong ba nghi phạm – còn đăng hình ảnh lượng lớn tiền mặt trên Instagram cá nhân. Cả ba tên đã lần lượt bị bắt và đưa ra xét xử.
Tòa án tuyên phạt Tharpe 7 năm tù, Jimmy Lee Vernon 6 năm 8 tháng và Deshon Bell 1 năm tù giam. Cơ quan chức năng nhấn mạnh đây là lời cảnh tỉnh cho những hành vi phạm tội trắng trợn.
CIA giải mật tài liệu nói đã tìm thấy Hòm Giao Ước – thánh tích Kitô giáo
Một tài liệu được giải mật của CIA hé lộ rằng Mỹ có thể đã xác định được vị trí của Hòm Giao Ước – thánh tích linh thiêng được nhắc đến trong Kinh Thánh, từng chứa hai tấm bia Mười điều răn.
Theo tài liệu, vào năm 1988, trong khuôn khổ Dự án Sun Streak, một nhà ngoại cảm được CIA giao nhiệm vụ "nhìn thấy từ xa" một vật thể bí ẩn. Người này mô tả mục tiêu là “một cái hòm trong một cái hòm”, làm từ gỗ, vàng và bạc, được trang trí bằng hình thiên thần sáu cánh – chi tiết trùng khớp với các mô tả cổ về Hòm Bia.
Đặc biệt, người này khẳng định vị trí của vật thể nằm dưới lòng đất tại một khu vực Trung Đông nói tiếng Ả Rập, nơi tối tăm, ẩm ướt. Họ còn mô tả Hòm Bia mang ý nghĩa tôn giáo, tâm linh và lịch sử, có tác dụng gắn kết con người và bảo vệ bởi điều thiêng liêng.
Dù chưa có bằng chứng xác thực, tài liệu này tiếp tục thổi bùng bí ẩn kéo dài hàng ngàn năm về thánh tích thiêng liêng nhất của Do Thái giáo và Kitô giáo.
Người Mỹ phản ứng ra sao với kế hoạch đánh thuế 180 đối tác của ông Trump?
Ngày 2/4, Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ, bao gồm Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản. Đặc biệt, mức thuế tối thiểu 10% được áp dụng với tất cả hàng nhập khẩu.
Theo khảo sát của YouGov thực hiện ngay sau thông báo này, 51% người Mỹ không đồng tình với chính sách thuế quan mới, trong khi 34% ủng hộ. Đảng phái ảnh hưởng mạnh đến quan điểm của người dân: 79% đảng viên Dân chủ và 52% cử tri độc lập phản đối, trong khi 67% đảng viên Cộng hòa đồng tình.
Về tác động đến giá cả, 67% người tham gia khảo sát tin rằng giá hàng hóa sẽ tăng, trong khi chỉ 15% cho rằng giá sẽ giữ nguyên. Ngoài ra, 49% không có ý định thay đổi thói quen mua sắm, trong khi 20% dự định mua sớm để tránh giá tăng.
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng chính sách thuế quan này có thể đẩy giá cả lên cao và gây mất việc làm cho người lao động Mỹ.
Ván cược chính trị của ông Trump với chính sách thuế quan
Ngày 2/4, Tổng thống Donald Trump công bố thuế quan đối ứng đối với hơn 180 đối tác thương mại. Ông gọi đây là "Ngày Giải Phóng", nhưng động thái này có thể gây rủi ro chính trị lớn cho đảng Cộng hòa và chính ông trong cuộc bầu cử sắp tới.
Việc đánh thuế hàng loạt được kỳ vọng giúp khôi phục ngành sản xuất Mỹ, nhưng các chuyên gia cảnh báo quá trình này sẽ mất nhiều năm. Trong khi đó, người tiêu dùng đối mặt với nguy cơ giá cả tăng cao, kinh tế bất ổn và nguy cơ suy thoái.
Khảo sát của Reuters/Ipsos cho thấy:
70% người Mỹ tin rằng thuế quan sẽ đẩy giá thực phẩm và hàng tiêu dùng lên cao.
53% cho rằng chính sách này gây hại nhiều hơn lợi.
Chỉ 31% tin rằng công nhân Mỹ sẽ hưởng lợi.
Ông Trump khẳng định thuế quan sẽ giúp Mỹ giàu có và giảm nợ quốc gia. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đã lao dốc ngay sau thông báo, ảnh hưởng đến quỹ hưu trí của nhiều người dân.
Với bối cảnh bầu cử giữa kỳ năm sau, chính sách thuế quan có thể trở thành con dao hai lưỡi đối với ông Trump và đảng Cộng hòa.
Ukraine trước lựa chọn khó khăn: Mỹ hay EU?
Ukraine đang đứng trước một quyết định quan trọng khi Mỹ đề xuất thỏa thuận khai thác khoáng sản có thể ảnh hưởng đến con đường gia nhập EU của nước này.
Mâu thuẫn chính:
Mỹ muốn độc quyền tiếp cận tài nguyên Ukraine, trong khi EU đã ký thỏa thuận hợp tác khoáng sản từ 2021.
Nếu ký với Mỹ, Ukraine có thể gặp phản ứng gay gắt từ EU, ảnh hưởng đến tiến trình gia nhập.
Áp lực từ hai phía:
Ông Trump cảnh báo Ukraine sẽ “gặp rắc rối lớn” nếu từ chối.
EU có thể cắt giảm hỗ trợ tài chính nếu Kiev ưu tiên Mỹ.
Hướng đi nào cho Ukraine?
Đàm phán lại với Mỹ để đảm bảo lợi ích cân bằng?
Từ chối Mỹ để bảo toàn con đường gia nhập EU?
Tìm cách ký kết cả hai thỏa thuận mà không làm mất lòng bên nào?
------------------------------
Tự học tiếng Thụy Điển tại https://www.chiaselund.com/hoc-tieng
Tự học lý thuyết lái xe Thụy Điển tại https://bit.ly/hoc_thi_bang_lai_xe_td
Chúc các bạn tuần mới vui vẻ!
Comments